Ipos Việt Giải Pháp Dữ Liệu Bạn

Italy lập vùng cấm bay cho tang lễ Giáo hoàng Francis thế nào

Italy huy động hàng loạt tiêm kích, chiến hạm và lực lượng mặt đất nhằm giám sát vùng trời bán kính 140 km trong tang lễ Giáo hoàng Francis.

160-170 phái đoàn quốc tế, trong đó có khoảng 50 nguyên thủ quốc gia và 10 quân vương, cùng hơn 200.000 người sẽ có mặt tại Vatican hôm nay để dự lễ tang Giáo hoàng Francis.

Ngoài các biện pháp bảo đảm an ninh dưới mặt đất, quân đội Italy cũng triển khai hàng loạt khí tài quân sự để thiết lập mạng lưới giám sát và phòng không đa tầng trong suốt thời gian diễn ra sự kiện.

Lớp đầu tiên là vùng nhận diện phòng không (ADIZ) có bán kính 140 km với trung tâm là Vatican. Khu vực này đóng vai trò bộ lọc chính, giúp giới chức Italy theo dõi và nhận diện mọi máy bay tiếp cận.

ADIZ là vùng trời do một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ tự ấn định và buộc máy bay dân sự khi tiến vào phải thông báo, nhận dạng, xác định vị trí và chịu sự kiểm soát của quốc gia, vùng lãnh thổ đó. ADIZ không phải không phận, nhưng theo thông lệ quốc tế, máy bay quân sự thường gửi thông báo trước khi tiến vào ADIZ nước khác nhằm tránh những vụ đụng độ bất ngờ.

Ba lớp hạn chế không phận tại Rome trong thời gian diễn ra tang lễ Giáo hoàng. Đồ họa: Desk Aeronautico

Ba lớp hạn chế không phận được Italy áp đặt trong thời gian diễn ra tang lễ Giáo hoàng Francis. Đồ họa: Desk Aeronautico

Lớp giữa là vòng tròn có bán kính 65 km, trong đó cấm tất cả phi cơ và thiết bị bay không người lái hoạt động theo quy tắc bay bằng mắt thường (VFR). Lớp trong cùng và nghiêm ngặt nhất là vùng cấm bay có bán kính 12 km, không máy bay nào được hoạt động trong khu vực này.

Giới chức Italy cũng thiết lập một số khu vực dành riêng cho máy bay tuần tra để giám sát và áp đặt hạn chế.

Nhằm đảm bảo phản ứng nhanh chóng với các mối đe dọa tiềm tàng, không quân Italy đã huy động nhiều tiêm kích Typhoon và F-35A tối tân. Một số chiếc sẽ làm nhiệm vụ tuần tiễu trên không ở những khu vực chỉ định, số khác đặt trong trạng thái báo động cao và có thể cất cánh trong vài phút sau khi phát hiện máy bay xâm phạm vùng cấm.

Tất cả tiêm kích tham gia chiến dịch đều được trang bị đạn thật, trong đó có tên lửa đối không tầm trung và tầm ngắn.

Tiêm kích F-35 (trái) và Eurofighter Typhoon trong bức ảnh đăng năm 2024. Ảnh: Không quân Italy

Tiêm kích F-35A (trái) và Typhoon của Italy trong ảnh đăng năm 2024. Ảnh: Không quân Italy

“Triển khai chiến đấu cơ mang vũ khí là biện pháp răn đe hợp lý để chống lại hành động thù địch hoặc những chuyến bay trái phép có thể xảy ra trong sự kiện quốc tế nhạy cảm, dự kiến có mặt nhiều quan chức cấp cao”, cây bút Stefano D’Urso của trang tin hàng không quân sự Aviationist nhận xét.

Các tiêm kích F-35A và Typhoon có thể đối phó nhiều loại mục tiêu, nhưng không quân Italy vẫn dựng thêm lớp phòng không thứ hai để phản ứng với những phi cơ bay chậm như trực thăng và máy bay hạng nhẹ.

Mỗi phi đoàn tìm kiếm cứu nạn chiến đấu (CSAR) của không quân Italy sẽ điều một trực thăng HH-139 tới căn cứ Pratica di Mare ở tây nam Rome để cấu thành lớp trên. Các phi cơ được trang bị bảng hiệu lệnh, cho phép ra chỉ thị với máy bay khác trong trường hợp không thể kết nối qua điện đàm.

Nếu cần hành động áp chế, xạ thủ trên trực thăng HH-139 có thể dùng súng bắn tỉa, súng máy hoặc súng trường tự động để bắn cảnh cáo hoặc hạ mục tiêu. “Đây là nhiệm vụ không dễ dàng, nhưng các quân nhân đã được đào tạo để bắn trúng mục tiêu nhỏ như động cơ, buộc máy bay nghi vấn hạ cánh khẩn cấp”, D’Urso cho hay.

Trực thăng HH-139 trong bức ảnh đăng năm 2022. Ảnh: Aviationist

Trực thăng HH-139 với tấm bảng ghi chữ “Theo tôi” trong chuyến huấn luyện năm 2022. Ảnh: Aviationist

Máy bay cảnh báo sớm G-550 CAEW của Phi đoàn số 71 đóng tại căn cứ Pratica di Mare sẽ theo dõi chặt chẽ không phận xung quanh và trong ADIZ. Mỗi chiếc được trang bị radar cảnh giới EL/W-2085 dọc thân, có tầm hoạt động 450 km và khả năng theo dõi cùng lúc 1.000 mục tiêu.

Nếu cần thiết, tổ bay G-550 sẽ dẫn đường cho tiêm kích thực hiện nhiệm vụ chặn kích máy bay nghi vấn.

Nhằm tăng cường năng lực giám sát mặt đất, không quân Italy sẽ sử dụng cả máy bay không người lái (UAV) MQ-9A do Mỹ sản xuất. Chúng được triển khai từ căn cứ Amendola và làm nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo theo thời gian thực, hỗ trợ mạng lưới an ninh tại Rome.

Bên cạnh không quân Italy, trực thăng của cảnh sát và hiến binh sẽ liên tục giám sát đám đông để bảo đảm an ninh ở mức cao nhất. Chúng được trang bị các cảm biến hiện đại để chỉ dẫn cho lực lượng mặt đất trong trường hợp khẩn cấp, đồng thời chở đặc nhiệm tới địa điểm xuất hiện mối đe dọa.

Hải quân Italy cũng triển khai khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường Caio Duilio thuộc lớp FREMM để làm nhiệm vụ phòng không. Con tàu đang neo đậu gần thị trấn Fiumicino, cách thủ đô Rome vài chục km.

Nhiệm vụ ngăn chặn thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ (drone) được giao cho lục quân Italy và Không đoàn số 16, đơn vị chuyên trách của không quân. Các đội chống drone được trang bị radar, cảm biến quang – điện tử và thiết bị gây nhiễu để ứng phó mối đe dọa này.

Quân nhân Italy cầm súng chống drone tại Vatican hôm 24/4. Ảnh: AFP

Quân nhân Italy cầm súng chống drone tại Vatican hôm 24/4. Ảnh: AFP

Súng chống drone của lực lượng này có thể phát ra xung điện từ cường độ cao ở cùng tần số mà drone hoạt động, nhằm cắt đứt liên lạc với người điều khiển, khiến phi cơ hạ cánh tại chỗ hoặc tự động quay về điểm xuất phát.

“Đây là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng. Các loại drone cỡ nhỏ từng gây ra nhiều vụ gián đoạn hàng không nghiêm trọng, đồng thời là vũ khí được sử dụng rộng rãi trong những xung đột gần đây”, D’Urso cho hay.

Phạm Giang (Theo Aviationist)


source
Written by

Leave a comment