Ipos Việt Giải Pháp Dữ Liệu Bạn
Đội Cận vệ Thụy Sĩ nổi tiếng sau trận tử thủ ngày 6/5/1527, khi họ cầm chân đối phương đông gấp nhiều lần để Giáo hoàng Clement VII sơ tán.
Một trong các hình ảnh nổi bật tại Vatican những ngày qua là binh sĩ mặc lễ phục kiểu Phục hưng luôn túc trực bên cạnh linh cữu Giáo hoàng Francis. Họ không phải những “lính cảnh” chỉ phục vụ mục đích lễ nghi, mà là các quân nhân tinh nhuệ thuộc Đội Cận vệ Thụy Sĩ, lực lượng đã bảo vệ các đời Giáo hoàng và Thành Vatican suốt hơn 500 năm qua.
Thời Trung Cổ, lính đánh thuê Thụy Sĩ nổi tiếng là lực lượng thiện chiến, ký hợp đồng phục vụ ở nhiều nước châu Âu. Năm 1505, giám mục người Thụy Sĩ Matthaus Schiner đề xuất thành lập đội cận vệ hoạt động dưới quyền kiểm soát trực tiếp của Giáo hoàng.
Ngày 22/1/1506, đại đội gồm 150 quân nhân Thụy Sĩ do đại úy Kaspar von Silenen chỉ huy đặt chân tới Vatican. Đây được xem là ngày thành lập Đội Cận vệ Thụy Sĩ.
Họ nhanh chóng chứng minh mình là đội quân tận tụy và không ngại hy sinh. Sự kiện làm nên tên tuổi của Đội Cận vệ Thụy Sĩ diễn ra ngày 6/5/1527, khi 189 thành viên đơn vị cùng 5.000 dân quân bảo vệ Rome đối đầu với lực lượng Tây Ban Nha lên đến 20.000 người.
Cuộc cướp phá thành Rome năm 1527. Tranh: Johannes Lingelbach
Trận đánh nằm trong Chiến tranh Liên minh Cognac 1526-1530 giữa một phe do Đế quốc La Mã Thần thánh cùng Tây Ban Nha dẫn đầu, bên còn lại là Liên minh Cognac gồm Pháp, lính đánh thuê Thụy Sĩ và một số tiểu quốc trên bán đảo Italy.
Liên minh Cognac do Giáo hoàng Clement VII thành lập năm 1526 sau khi phần lớn các tiểu quốc trên bán đảo Italy, trong đó có Cộng hòa Florence, Công quốc Milan và Vương quốc Naples, nằm dưới sự kiểm soát hoặc ảnh hưởng của Đế quốc La Mã Thần thánh.
Lực lượng của Đế quốc La Mã Thần thánh, gồm khoảng 20.000 quân Tây Ban Nha, Italy và Đức, nhanh chóng khẳng định vị thế ở miền bắc Italy và gây tổn thất cho Liên minh Cognac.
Tuy nhiên, lực lượng này được trang bị kém và thiếu pháo binh để tấn công các thành phố có tường thành vững chãi. Binh lính trong liên quân cũng không được trả lương trong nhiều tháng và phải cướp bóc để sinh tồn. Họ nổi loạn và gây sức ép buộc chỉ huy là Charles III, công tước xứ Bourbon, hành quân tới Rome.
Sáng sớm 6/5/1527, lực lượng dưới quyền Charles III bắt đầu cuộc tấn công vào Rome. Thành phố khi đó được bao quanh bởi những bức tường thành khổng lồ xây từ thế kỷ 3, nhưng lực lượng phòng thủ không được chuẩn bị tốt. Ngoài 189 thành viên Đội Cận vệ Thụy Sĩ đóng quân tại Vatican, thành phố Rome chỉ có 5.000 dân quân, trong đó có nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ và linh mục.
Charles III thiệt mạng khi đích thân dẫn quân trèo vào thành Rome, song binh lính dưới quyền ông vẫn tràn được vào trong. Quân đội của Đế quốc La Mã Thần thánh nhanh chóng áp đảo lực lượng phòng thủ tại Rome và hướng tới Vatican.
Giáo hoàng Clement VII, khi đó đang cầu nguyện trong nhà nguyện riêng, được các hồng y và người hầu đưa tới pháo đài Castel Sant’Angelo qua hành lang Passetto di Borgo. Đội Cận vệ Thụy Sĩ điều động 42 người hộ tống Giáo hoàng Clement VII, trong khi những người còn lại thiết lập đội hình trước Nhà thờ Thánh Peter và chuẩn bị cho trận tử thủ để cầm chân đối phương.
147 thành viên Đội Cận vệ Thụy Sĩ thiệt mạng trong trận đánh không cân sức, nhưng nỗ lực của họ đã giúp Giáo hoàng Clement VII có thời gian sơ tán. Toàn bộ dân quân thành Rome và hàng nghìn lính của Đế quốc La Mã Thần thánh cũng thiệt mạng hoặc bị thương sau trận đánh.
Sau khi Giáo hoàng Clement VII tới pháo đài Castel Sant’Angelo an toàn, lực lượng tại đây đã dùng đại bác bắn phá, ngăn đối phương tiếp cận. Họ cầm cự trong suốt hơn một tháng trước khi Giáo hoàng quyết định trả tiền chuộc cho đối phương.
Đội Cận vệ Thụy Sĩ bảo vệ Giáo hoàng Clement VII trong trận đánh ngày 6/5/1527. Tranh: Marco Heer
Tới tháng 2/1528, đội quân của Đế quốc La Mã Thần thánh mới rút hoàn toàn khỏi Rome, để lại thành phố đổ nát với hàng nghìn thi thể ở khắp nơi. Theo một số nhà sử học, dân số Rome khi đó giảm tới 80% và cuộc tấn công được coi là dấu chấm hết cho thời kỳ Phục hưng tại Italy.
Cuộc tử thủ năm 1527 được đánh giá là trận đánh dữ dội nhất mà Đội Cận vệ Thụy Sĩ tham gia, cũng là một trong những thành công quan trọng nhất trong hơn 500 năm lịch sử lực lượng này. Sự kiện trở thành biểu tượng cho sự dũng cảm và lòng trung thành của Đội Cận vệ Thụy Sĩ, được kỷ niệm trong lễ tuyên thệ của các tân binh vào ngày 6/5 hàng năm.
Lần thất bại duy nhất của Đội Cận vệ Thụy Sĩ là trong trận đánh năm 1798, khi đại quân của Napoleon chiếm được Rome, bắt và trục xuất Giáo hoàng Pius VI. Đội Cận vệ Thụy Sĩ cũng bị giải tán, nhưng sau đó được tái lập.
Khi các đơn vị phát xít Đức tiến vào Rome trong Thế chiến II, thành viên Đội Cận vệ Thụy Sĩ đã chuyển sang mặc quân phục màu xám, xây dựng công sự phòng thủ với đại liên và súng cối, sẵn sàng chiến đấu tới cùng để bảo vệ Giáo hoàng. Tuy nhiên, phát xít Đức sau đó đã không tấn công vào Vatican.
Nguyễn Tiến (Theo Guardian, Sabaton, AP)
Leave a comment