Ipos Việt Giải Pháp Dữ Liệu Bạn
Dù Nga không bị ông Trump áp thuế đối ứng, giá dầu toàn cầu giảm sau đòn thuế của Mỹ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn thu và tăng trưởng kinh tế của Moskva.
Nga không nằm trong danh sách các nền kinh tế chịu đòn thuế “ngày giải phóng” mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố đầu tháng này. Tuy nhiên, ngành dầu mỏ, động lực của nền kinh tế Nga, vẫn khó tránh khỏi ảnh hưởng từ dư chấn của nó.
Giá dầu thô toàn cầu tháng này sụt giảm và tiếp tục biến động do lo ngại suy thoái vì tác động từ đòn thuế quan của Mỹ. Giá dầu Urals của Nga đang dao động quanh mức 55 USD mỗi thùng, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là gần 70 USD.
Bộ Phát triển Kinh tế Nga đã phải thay đổi dự báo về giá dầu Urals năm nay, xuống mức 56 USD/thùng. Đây được coi là một trong những mức giảm lớn nhất của giá dầu kể từ đại dịch Covid-19.
Sergey Vakulenko, cựu giám đốc điều hành năng lượng Nga và hiện là thành viên cấp cao tại Trung tâm Á-Âu Nga Carnegie, ước tính Nga mất khoảng 25 tỷ USD mỗi năm nếu giá dầu giảm 10 USD.
Nếu giá năng lượng tiếp tục giảm, các công ty dầu khí Nga sẽ mang về ít ngoại tệ hơn và mức nộp thuế cho nhà nước cũng giảm. “Điều này ảnh hưởng đến doanh thu và nền kinh tế nói chung”, ông Vakulenko nói.
Sự thiếu hụt ngoại tệ ở Nga có thể làm suy yếu giá trị đồng ruble, dẫn tới làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu trong nước vào thời điểm lạm phát đang tăng 10%. Điều này sẽ đi kèm khả năng tăng giá hàng tiêu dùng như ôtô, quần áo hoặc công nghệ, theo giới quan sát.
Tàu chở dầu neo tại vịnh Nakhodka gần thành phố cảng Nakhodka, Nga, ngày 4/12/2022. Ảnh: Reuters
Các chuyên gia cho hay nguồn thu thuế giảm cũng sẽ gây khó khăn cho ngân sách của chính phủ. Nga năm ngoái thâm hụt khoảng 3,5 nghìn tỷ ruble (tương đương 34,4 tỷ USD) và quỹ dự phòng của nước này cũng cạn hơn 50% kể từ khi xung đột Ukraine bắt đầu.
Thâm hụt ngân sách tháng 1-3 năm nay vào khoảng 25,5 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái và dự báo thâm hụt cả năm 2025 cũng sẽ lớn hơn. Điều này là do doanh thu dầu khí giảm gần 10% so với cùng giai đoạn năm 2024, trong khi chi phí tăng gần 25%, theo Moscow Times.
Các nhà phân tích nói rằng nếu giá dầu tiếp tục giữ ở mức thấp, nền kinh tế Nga sẽ phải đối mặt với giai đoạn lao dốc nghiêm trọng sau thời gian tăng trưởng nhanh. Họ cũng cảnh báo thâm hụt ngân sách của Nga sẽ tăng gần gấp đôi trong năm nay.
Ngân hàng Renaissance Capital của Nga gần đây cũng lưu ý với khách hàng rằng giá dầu giảm có thể làm tăng khả năng lao dốc của nền kinh tế. Ngân hàng này dự báo nếu giá dầu Urals ở mức trung bình 50 USD mỗi thùng trong năm 2025, tăng trưởng GDP sẽ là 0,1%. GDP của Nga trong năm 2023 và 2024 duy trì mức tăng trưởng khoảng 4%.
Nguy cơ suy thoái xảy ra vào thời điểm tốc độ tăng trưởng nền kinh tế Nga đã chậm lại trước khi giá dầu giảm và Điện Kremlin đang tham gia nỗ lực đàm phán do chính quyền Trump khởi xướng để chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Giá dầu hiện tại khó có thể trở thành lý do khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin từ bỏ mục tiêu chiến dịch ở Ukraine, nhưng các nhà phân tích cho rằng sự sụt giảm nguồn thu dầu mỏ có thể thay đổi tính toán của ông.
“Nếu giá dầu tiếp tục giảm, Nga sẽ cảm thấy khó khăn hơn. Họ thậm chí đã bắt đầu cảm thấy điều đó. Nếu điều này tiếp tục, họ sẽ phải đối mặt những lựa chọn khó khăn giữa chi ngân sách cho quốc phòng và các ưu tiên khác”, Elina Ribakova, thành viên cấp cao không thường trực tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington, nói.
Các nhà phân tích tại J.P. Morgan viết trong lưu ý gửi tới khách hàng tuần này rằng dù các lệnh trừng phạt khiến Moskva trở nên tách biệt hơn với các xu hướng toàn cầu, “cơn sóng thần do chính sách thương mại do Mỹ tạo ra vẫn sẽ khiến Nga chịu tổn hại”.
Người dân đi lại ở trung tâm Moskva, Nga, hôm 20/3/2023. Ảnh: Reuters
Ngành dầu khí vừa được xem là động lực vừa là điểm yếu của nền kinh tế Nga, khi chiếm hơn 30% doanh thu ngân sách nhà nước. Vì vậy, chính phủ Nga coi giá dầu giảm như một trong những mối đe dọa an ninh quốc gia.
Ngay sau khi nhậm chức, ông Trump đã báo hiệu có thể tăng sức ép để Moskva hướng tới thỏa thuận hòa bình Ukraine bằng cách tăng sản lượng khai thác ở Mỹ và kêu gọi đồng minh Arab Saudi hưởng ứng, khiến giá dầu thế giới giảm. Keith Kellogg, đặc phái viên của ông Trump, hồi tháng 1 cho rằng việc giá dầu giảm xuống 45 USD mỗi thùng có thể đủ giúp chấm dứt xung đột.
Giới chức Nga cũng thấy rõ những rủi ro. Elvira Nabiullina, thống đốc ngân hàng trung ương Nga, tháng này nói rằng nếu chiến tranh thương mại toàn cầu leo thang, “nó thường dẫn tới sự suy giảm của nền kinh tế thế giới và nhu cầu về nguồn năng lượng của chúng tôi”.
“Tình trạng bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu không thể không ảnh hưởng tới Nga. Chúng tôi đang cố gắng duy trì ổn định kinh tế ngay cả khi đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với CNBC tuần trước.
“Giá dầu thấp hơn có thể khiến mức sống của người dân Nga suy giảm, nhưng nếu có một yếu tố khách quan như cuộc suy thoái toàn cầu, người dân Nga sẽ hiểu rằng đó không phải lỗi của chính phủ”, Vakulenko nói.
Thùy Lâm (Theo WSJ, Moscow Times, CNBC)
Leave a comment