Ipos Việt Giải Pháp Dữ Liệu Bạn
Phó thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko tới Washington ký thỏa thuận khoáng sản với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, thiết lập Quỹ Đầu tư Tái thiết do hai nước quản lý.
“Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của Tổng thống Trump nhằm đảm bảo một nền hòa bình lâu dài, tôi rất vui mừng công bố Mỹ và Ukraine đã ký kết thỏa thuận đối tác kinh tế mang tính lịch sử, thiết lập Quỹ Đầu tư Tái thiết Mỹ – Ukraine”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent ra tuyên bố tối 30/4 (sáng 1/5 giờ Hà Nội).
“Thỏa thuận gửi tín hiệu rõ ràng tới Nga rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump cam kết theo đuổi tiến trình hòa bình nhằm hướng tới một Ukraine tự do, có chủ quyền và thịnh vượng lâu dài”, ông Bessent nói.
Trong bài viết trên Telegram, Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal giải thích về Quỹ Đầu tư Tái thiết, cho biết Mỹ và Ukraine cùng quản lý một cách bình đẳng và sẽ cùng đóng góp vào quỹ. Viện trợ quân sự tương lai của Washington sẽ được coi là đóng góp vào quỹ này, các khoản hỗ trợ trước đó không được tính.
50% số tiền thu được từ các dự án cấp phép mới trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, dầu và khí đốt ở Ukraine sẽ được đưa vào quỹ. Doanh thu từ những dự án đã được triển khai từ trước sẽ không được tính cho quỹ này.
Ông Bessent (trái) và bà Svyrydenko ký thỏa thuận khoáng sản Mỹ – Ukraine hôm 30/4. Ảnh: Bộ Tài chính Mỹ
Ukraine vẫn giữ toàn quyền kiểm soát với khoáng sản dưới lòng đất, cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên của mình. Việc thành lập quỹ tái thiết cũng không gây trở ngại tới tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Kiev.
Ông Shmygal nhấn mạnh Ukraine không bị yêu cầu trả bất kỳ “khoản nợ” nào cho hàng tỷ USD vũ khí họ đã nhận từ Mỹ và các hỗ trợ khác. “Lợi nhuận của quỹ sẽ được tái đầu tư độc quyền vào Ukraine”, ông nói và khẳng định thỏa thuận này “tốt, bình đẳng và có lợi”.
Bà Svyrydenko cho biết các khoản đóng góp cho quỹ sẽ không bị tính thuế ở cả Mỹ cũng như Ukraine, thêm rằng Washington sẽ hỗ trợ thu hút thêm đầu tư và công nghệ cho Ukraine như một phần của thỏa thuận.
Thỏa thuận không mang đến bảo đảm an ninh cụ thể nào cho Kiev, thay vào đó khẳng định “liên kết chiến lược dài hạn” giữa hai nước và cam kết của Mỹ nhằm hỗ trợ an ninh và nỗ lực tái thiết của Ukraine, cũng như giúp nước này phát triển kinh tế, hội nhập với các khuôn khổ kinh tế toàn cầu.
Thỏa thuận cũng không đề cập nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hiện do Nga kiểm soát, dù giới chức Mỹ từng gợi ý rằng nước này có thể tiếp quản cơ sở trên trong khuôn khổ thỏa thuận hòa bình giữa Moskva và Kiev.
Phái đoàn Mỹ và Ukraine ký thỏa thuận khoáng sản ngày 30/4. Ảnh: X/@Svyrydenko_Y
Thỏa thuận khoáng sản ban đầu dự kiến được ký trong chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 28/2, song kế hoạch này đã đổ vỡ do ông và người đồng cấp Donald Trump đấu khẩu tại Nhà Trắng.
Ukraine xếp thứ 40 trong số các quốc gia khai thác khoáng sản và sở hữu khoảng 5% trữ lượng khoáng sản của thế giới, theo Dữ liệu Khai khoáng Thế giới (WMD) 2024. Tuy nhiên, không phải tất cả tài nguyên này đã được khai thác hoặc có thể khai thác dễ dàng.
Cục Nghiên cứu Địa chất và Khai khoáng Pháp (BRGM) hồi năm 2023 cho biết tại Ukraine có hơn 100 loại tài nguyên khoáng sản, trong đó có sắt, mangan, than chì, titanium, lithium và uranium. Lithium và than chì là những nguyên liệu quan trọng cho sản xuất pin điện.
Mỹ là nhà tài trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, đã cung cấp cho Kiev khoảng 72 tỷ USD kể từ đầu chiến sự, theo Viện nghiên cứu Kiel tại Đức.
Phạm Giang (Theo AFP, Reuters)
Leave a comment