Ipos Việt Giải Pháp Dữ Liệu Bạn

Đóng góp của ngoại giao Việt Nam cho sự nghiệp thống nhất đất nước

Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn chỉ ra nghệ thuật “đánh – đàm”, huy động sự ủng hộ từ quốc tế là những đóng góp của ngoại giao Việt Nam cho công cuộc thống nhất đất nước.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ngày 29/4 có bài viết về những đóng góp của ngoại giao Việt Nam cho Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Lịch sử 80 năm qua đã cho thấy trong những thắng lợi vĩ đại của đất nước, những chiến thắng trên chiến trường đều gắn liền với những thắng lợi trên bàn đàm phán”, ông viết. “Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử đã tạo thế cho những kết quả trên bàn đàm phán ở Hội nghị Geneva, thắng lợi trong Hội nghị Paris đã góp phần quan trọng vào chiến thắng mùa xuân năm 1975”.

Lễ ký Hiệp định Paris về Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở đại lộ Kleber ngày 27/1/1973. Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam

Lễ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở đại lộ Kleber ngày 27/1/1973. Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam

Hội nghị Trung ương 13 năm 1967 xác định “đấu tranh ngoại giao giữ vai trò quan trọng, tích cực, chủ động”. Năm 1969, Bộ Chính trị ra nghị quyết xác định “ngoại giao trở thành mặt trận chiến lược, có ý nghĩa quan trọng”.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chỉ ra ngoại giao đã kết hợp với quân sự, chính trị, tạo ra thế trận “vừa đánh vừa đàm”, huy động sức mạnh tổng hợp của dân tộc. Trong đó, đấu tranh quân sự và chính trị là cơ sở cho đàm phán trên mặt trận ngoại giao, đấu tranh ngoại giao góp phần cộng hưởng thắng lợi của đấu tranh chính trị và quân sự.

“Bằng những sách lược linh hoạt và mềm dẻo, khi thời cơ chín muồi, ta đã buộc Mỹ ngồi vào đàm phán từ năm 1969, mở ra cục diện mới đi vào giành thắng lợi từng bước”, Phó thủ tướng viết. “Những cuộc đấu trí cam go trên bàn đàm phán với cường quốc hàng đầu thế giới đã tôi luyện bản lĩnh và trí tuệ của ngoại giao cách mạng Việt Nam. Các nhà ngoại giao lỗi lạc như Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Nguyễn Thị Bình… đã trở thành biểu tượng cho ý chí kiên định, đầy bản lĩnh, sắc sảo nhưng mềm dẻo của ngoại giao Việt Nam”.

Nghệ thuật “đánh – đàm” trong ngoại giao đã đạt đến đỉnh cao với việc ký Hiệp định hòa bình Paris. Cùng với các chiến thắng Khe Sanh, Mậu Thân, những thắng lợi trên bàn đàm phán đã buộc Mỹ xuống thang và ký Hiệp định tháng 1/1973. Theo hiệp định, Mỹ buộc phải rút toàn bộ quân đội và vũ khí ra khỏi miền Nam Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị và phong trào quần chúng cách mạng củng cố.

Hình thái chiến trường từ đó thay đổi theo hướng có lợi cho cách mạng, tạo thời cơ như Bộ Chính trị năm 1974 nhận định “ngoài thời cơ này, không còn thời cơ nào khác” cho giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngoại giao đã tranh thủ sức mạnh của ba dòng thác cách mạng, huy động được sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa và mặt trận quốc tế rộng rãi ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Câu nói “Vì Việt Nam, nhân dân Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” của Chủ tịch Fidel Castro đã trở thành khẩu hiệu tiêu biểu cho sự hỗ trợ vật chất và tinh thần của các nước xã hội chủ nghĩa. Với tinh thần “giúp bạn là giúp mình”, Việt Nam đã xây dựng tình đoàn kết và liên minh chiến đấu với Lào và Campuchia, góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng của mỗi nước.

Bên cạnh đó, ngoại giao tâm công của Việt Nam đã thu phục lòng người bằng chính nghĩa, lẽ phải và đạo lý, tạo nên mặt trận nhân dân rộng khắp ủng hộ Việt Nam.

Việt Nam đã trở thành biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc, trong đó có cả nhân dân Mỹ và đông đảo chính khách, học giả, nhân sĩ nổi tiếng thế giới. Hàng triệu người khắp năm châu, ngay cả tại nước Mỹ đã xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh; phong trào tình nguyện sang Việt Nam chiến đấu, hiến máu, lập quỹ quyên góp lan rộng khắp thế giới.

“Hình ảnh các nhà lãnh đạo như Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme tham gia biểu tình hay những nhà hoạt động vì hòa bình như Norman Morrison tự thiêu phản đối chiến tranh đã trở thành biểu tượng cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, công lý”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris, Pháp ngày 19/1/1969. Ảnh: AP

Cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris, Pháp ngày 19/1/1969, do ba thanh niên Thụy Sĩ treo để phản đối chiến tranh. Ảnh: AP

Với tinh thần hòa hiếu, ngoại giao đã mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước và đặt nền móng cho sự hòa giải với các nước từng tham chiến. Với các cử chỉ thiện chí như đối xử nhân đạo với tù binh, trao trả tù binh, tạo thuận lợi cho việc di tản công dân, tinh thần ngoại giao hòa hiếu đã thể hiện thiện chí hòa bình, nhân đạo và góp phần khôi phục quan hệ bình thường với các nước sau này.

Việc nghiên cứu, dự báo chiến lược của ngoại giao đã hỗ trợ đắc lực cho mặt trận đấu tranh chính trị và quân sự. Ngoại giao đã đánh giá, nhận định đúng tình hình thế giới, lợi ích và chủ trương của bạn bè cũng như đối thủ, từ đó giúp Trung ương Đảng có những quyết sách kịp thời trong từng giai đoạn.

Trong giai đoạn đánh – đàm, cùng với tiến công quân sự, ngoại giao đã đẩy mạnh tấn công chính trị, dư luận buộc Mỹ phải ngừng tấn công bắn phá miền Bắc, chấp nhận chuyển hướng chiến lược và ngồi vào đàm phán với Việt Nam.

“Trong cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1975, ngoại giao đã đánh giá đúng về những khó khăn của chính quyền Sài Gòn và chiều hướng chính sách của Mỹ, dự báo chuẩn xác về Mỹ không thể can thiệp quân sự trở lại”, Phó thủ tướng nêu.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: BNG

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: BNG

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh ngoại giao Việt Nam sẽ phát huy những bài học “vượt thời gian” từ cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước khi bước vào kỷ nguyên vươn mình. Đó là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc; kết hợp nội lực với ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; đặt đối ngoại vào vai trò, vị trí “trọng yếu, thường xuyên, tiên phong” trong bảo vệ những lợi ích quốc gia – dân tộc; hội nhập với thế giới, đặt đất nước vào dòng chảy chính của thời đại.

“Ngoại giao sẽ tiếp tục nỗ lực để phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trong bối cảnh mới”, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định.

Nguyễn Tiến


source
Written by

Leave a comment