Ipos Việt Giải Pháp Dữ Liệu Bạn

Người Pakistan lo mất nguồn nước khi căng thẳng với Ấn Độ leo thang

Homla Thakhur, nông dân Pakistan, vừa phun thuốc trừ sâu lên ruộng rau gần sông Ấn, vừa lo lắng về nguy cơ Ấn Độ cắt nước ở thượng nguồn.

Cánh đồng rộng gần hai hecta của Thakhur ở Latifabad thuộc tỉnh Sindh, đông nam Pakistan, nơi sông Ấn chảy qua. Mặt trời đứng bóng, sông chảy chậm, mực nước thấp trong lúc người nông dân Pakistan quay lại lấy thêm nước vào bình phun.

Sông Ấn khởi nguồn từ vùng Tây Tạng của Trung Quốc, chảy qua Ấn Độ rồi vào lãnh thổ Pakistan trước khi đổ ra biển Arab. Chính phủ Ấn Độ gần đây tuyên bố đình chỉ Hiệp ước Nước sông Ấn (IWT) năm 1960, khi căng thẳng với Pakistan leo thang.

Hệ thống sông Indus từ Trung Quốc, qua Ấn Độ và Pakistan. Đồ họa: The Quint

Hệ thống sông Ấn (Indus) từ Trung Quốc, qua Ấn Độ và Pakistan. Đồ họa: The Quint

Quan hệ giữa Islamabad và New Delhi đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm, sau vụ xả súng của phiến quân ở khu nghỉ dưỡng tại vùng Kashmir khiến 26 người thiệt mạng, trong đó có 25 công dân Ấn Độ, hồi tuần trước. New Delhi cho biết hai nghi phạm trong vụ xả súng là người Pakistan, trong khi Islamabad phủ nhận liên quan đến sự việc và kêu gọi tiến hành điều tra độc lập.

Việc đình chỉ hiệp ước IWT là một trong những động thái mà hai nước đã tiến hành nhắm vào nhau sau vụ xả súng. Pakistan cũng đã trục xuất quan chức Ấn Độ và đóng không phận với các hãng hàng không của nước láng giềng.

Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Muhammad Asif ngày 29/4 bày tỏ lo ngại về khả năng quân đội Ấn Độ phát động chiến dịch nhằm vào nước này, buộc Islamabad đưa ra “một số quyết định chiến lược” nhưng không nêu cụ thể. Ông nhấn mạnh Pakistan đang duy trì cảnh giác cao độ, song sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xuất hiện “mối đe dọa trực tiếp với sự tồn vong của đất nước”.

Bộ trưởng Asif nhấn mạnh tước đoạt nguồn nước của các khu vực dễ bị tổn thương là “hành động gây chiến”, thêm rằng hiệp ước IWT được cộng đồng quốc tế bảo trợ.

“Nếu họ cắt nước, cả đất nước Pakistan sẽ biến thành sa mạc”, Thakhur, nông dân 40 tuổi ở Latifabad, nói. “Chúng tôi sẽ chết đói hết”.

Đập Kotri trên sông Ấn ở Jamshoro, Pakistan, nhìn từ trên cao ngày 26/4. Ảnh: Reuters

Đập Kotri trên sông Ấn ở Jamshoro, Pakistan, nhìn từ trên cao ngày 26/4. Ảnh: Reuters

Nhiều nông dân Pakistan cũng có nỗi lo tương tự, khi vài năm nay mưa ngày càng ít. Hiệp ước IWT từng giúp đảm bảo nguồn nước từ sông Ấn cho hơn 16 triệu ha đất nông nghiệp, tương đương 80% tổng diện tích canh tác của Pakistan. Ấn Độ tuyên bố sẽ đình chỉ hiệp ước này cho đến khi Pakistan “ngừng hỗ trợ khủng bố xuyên biên giới một cách đáng tin cậy và không thể đảo ngược”.

Giới chức và chuyên gia hai nước đều cho rằng Ấn Độ không thể ngay lập tức cắt nguồn nước sông Ấn, vì hiệp ước chỉ cho phép Ấn Độ xây nhà máy thủy điện không có hồ chứa nước lớn hoặc đập lớn trên ba phụ lưu thuộc hệ thống sông Ấn chảy về phía Pakistan. Nhưng mọi thứ có thể thay đổi trong vài tháng.

“Chúng tôi sẽ đảm bảo không một giọt nước nào từ sông Ấn chảy được sang Pakistan”, Bộ trưởng Thủy lợi Ấn Độ Chandrakant Raghunath Paatil tuyên bố.

Hai quan chức chính phủ Ấn Độ giấu tên cho hay nước này có thể bắt đầu đào kênh chuyển dòng nước từ sông Ấn để tưới tiêu cho đất nông nghiệp của họ trong vòng vài tháng, đồng thời lên kế hoạch xây dựng đập thủy điện trên sông Ấn, hoàn thành trong vòng 4-7 năm.

Kushvinder Vohra, cựu giám đốc Ủy ban Nước Trung ương Ấn Độ, cho hay nước này sẽ lập tức ngừng chia sẻ với Pakistan các dữ liệu như dòng chảy thủy văn tại nhiều địa điểm trên sông ngòi chảy qua lãnh thổ, ngừng cảnh báo lũ lụt và không tham gia các cuộc họp thường niên của Ủy ban sông Ấn.

“Họ sẽ không được biết thông tin khi nào có lũ và mực nước là bao nhiêu”, Vohra, người từng đại diện cho Ấn Độ trong Ủy ban sông Ấn và đang là cố vấn chính phủ, nói. “Nếu không có thông tin, họ không thể lên kế hoạch”.

Tình trạng thiếu nước từ sông Ấn cũng có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất điện và làm tê liệt nền kinh tế Pakistan.

Vaqar Ahmed, nhà kinh tế học kiêm trưởng nhóm công ty tư vấn Quản lý Chính sách Oxford của Anh, nhận định Pakistan đã đánh giá thấp nguy cơ từ việc Ấn Độ rút khỏi hiệp ước IWT.

“Ấn Độ chưa có cơ sở hạ tầng để chặn dòng nước ngay lập tức, đặc biệt là trong mùa lũ, vì vậy giai đoạn này là cơ hội để Pakistan giải quyết tình trạng quản lý nguồn nước kém hiệu quả”, ông nói.

Vài năm gần đây, chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang tìm cách đàm phán lại hiệp ước và hai nước đã cố gắng giải quyết một số bất đồng tại Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague về quy mô hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện Kishenganga và Ratle trên thượng nguồn sông Ấn.

“Bây giờ chúng tôi có thể tự do theo đuổi dự án” sau khi rút khỏi IWT, Vohra nói.

Trong thông báo gửi tới Pakistan ngày 24/4, Ấn Độ cho hay hoàn cảnh đã thay đổi từ khi hiệp ước được ký kết, bao gồm các vấn đề dân số gia tăng và nhu cầu về nhiều nguồn năng lượng sạch hơn như thủy điện.

Nông dân cày xới đất trước khi gieo hạt ở ngoại ô thành phố Hyderabad ngày 25/4. Ảnh: Reuters

Nông dân trên cánh đồng ở ngoại ô thành phố Hyderabad ngày 25/4. Ảnh: Reuters

“Lúc này, chúng tôi không có nguồn nước thay thế”, Ghasharib Shaoka, chuyên gia của công ty Nghiên cứu Nông nghiệp Pakistan có trụ sở tại Karachi, nói. “Hệ thống sông thuộc hiệp ước IWT không chỉ giúp đảm bảo nguồn tưới tiêu mà còn cung cấp nước sinh hoạt cho nhiều thành phố, sản xuất điện và hàng triệu sinh kế”.

Ấn Độ và Pakistan từng xảy ra 4 lần xung đột từ năm 1947, nhưng hiệp ước IWT không bị ảnh hưởng. Các chính trị gia Pakistan cho rằng hành động cắt nước lần này của Ấn Độ sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm.

“Chúng ta mắc kẹt trong cuộc xung đột kéo dài qua nhiều thế hệ, và với việc rút khỏi hiệp ước IWT, chúng ta đang đẩy các thế hệ tương lai vào một bối cảnh xung đột hoàn toàn mới”, Bilawal Bhutto Zardari, cựu ngoại trưởng Pakistan, nói. “Không được phép để điều này xảy ra.”

Hồng Hạnh (Theo Reuters, AP)


source
Written by

Leave a comment