Ipos Việt Giải Pháp Dữ Liệu Bạn

Houthi có thể đã thu được bom 'Xuyên bão' tối tân của Mỹ

Một quả bom GBU-53 tiên tiến của Mỹ được tìm thấy trong tình trạng nguyên vẹn ở Yemen, có khả năng đã bị lực lượng Houthi thu giữ.

Hình ảnh đăng trên mạng xã hội ngày 25/4 cho thấy một quả bom dẫn đường GBU-53/B, còn có biệt danh là “StormBreaker” (Xuyên bão), đang nằm trên mặt đất ở khu vực nghi là tỉnh Shabwah, đông nam Yemen. Dường như lớp cát dày đã giảm lực va chạm, khiến quả bom còn khá nguyên vẹn khi lao xuống đất.

“Chưa rõ điều gì đã xảy ra với quả StormBreaker, nhưng mức độ hư hại nhẹ cho thấy nhiều khả năng nó gặp trục trặc kỹ thuật, không phải bị đối phương bắn hạ. Không chắc đây có phải lần đầu xảy ra sự việc này hay không, nhưng đó là lần đầu xuất hiện bằng chứng cho thấy StormBreaker bị sự cố trong chiến đấu”, cây bút Thomas Newdick của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone nhận xét.

Bộ Quốc phòng Mỹ và nhóm vũ trang Houthi chưa lên tiếng về thông tin.

Xác bom lượn GBU-53/B StormBreaker Mỹ trên bờ biển Yemen trong ảnh đăng ngày 25/4. Ảnh: X/SprinterObserve

Bom lượn GBU-53/B của Mỹ trên bờ biển Yemen trong ảnh đăng ngày 25/4. Ảnh: X/SprinterObserve

StormBreaker là một trong những loại bom dẫn đường hiện đại nhất trong biên chế quân đội Mỹ hiện nay, được kỳ vọng sẽ trở thành vũ khí quan trọng và được Mỹ triển khai rộng rãi nhất trong tương lai.

Bộ tư lệnh Trung tâm (CENTCOM), cơ quan đặc trách hoạt động của quân đội Mỹ tại Trung Đông, hồi tháng trước công bố hình ảnh tiêm kích hạm F/A-18F mang bom GBU-53/B khi làm nhiệm vụ tập kích mục tiêu Houthi tại Yemen. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy bom StormBreaker đã bắt đầu thực chiến.

Dự án bom dẫn đường StormBreaker được tập đoàn quốc phòng Raytheon của Mỹ triển khai từ năm 2006 và đưa vào biên chế năm 2020. Mỗi quả đạn có chiều dài gần 2 m, đường kính thân 0,2 m và nặng gần 100 kg. Kích thước nhỏ gọn cho phép mỗi tiêm kích mang được lượng lớn bom và tấn công nhiều mục tiêu trong mỗi lần xuất phát.

Ưu điểm của GBU-53/B là hệ thống dẫn đường nhiều chế độ. Nó có thể bay tới khu vực chỉ định bằng hệ thống dẫn đường quán tính và định vị vệ tinh, sau đó kích hoạt đầu dò radar băng sóng mm, cảm biến hồng ngoại và đầu dò laser bán chủ động để khóa mục tiêu và tập kích với độ chính xác cao.

Bom lượn GBU-53/B StormBreaker (khung trắng) trên tiêm kích hạm F/A-18E/F Super Hornet trong video do CENTCOM đăng hôm 24/3. Ảnh chụp màn hình

Bom lượn GBU-53/B treo dưới cánh tiêm kích hạm F/A-18F Mỹ hồi tháng 3. Ảnh: CENTCOM

StormBreaker cũng được trang bị đường truyền dữ liệu hai chiều Link 16, cho phép nó liên tục kết nối với máy bay phóng để cập nhật thông tin và hiệu chỉnh đường bay, phục vụ đòn tấn công nhằm vào mục tiêu di động.

Không quân Mỹ từng tiết lộ StormBreaker có thể đánh trúng mục tiêu cố định và di động ở khoảng cách lần lượt 110 km và 70 km.

Quả bom rơi ở ngoài vùng kiểm soát của Houthi, nhưng giới chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng nhiều khả năng nó vẫn rơi vào tay nhóm vũ trang Yemen và họ có thể chia sẻ dữ liệu tình báo với các đồng minh. “Nguy cơ lộ bí mật công nghệ từ quả bom còn gần như nguyên vẹn này là rất đáng kể”, Newdick cảnh báo.

Phạm Giang (Theo War Zone)


source
Written by

Leave a comment