Ipos Việt Giải Pháp Dữ Liệu Bạn

Hành trình phụng sự của Giáo hoàng Francis

Jorge Mario Bergoglio (đứng thứ hai từ trái sang) trong một bức ảnh chụp cùng gia đình.

Bergoglio từng theo học chuyên ngành kỹ thuật viên hóa học, nhưng sau đó gia nhập Chủng viện Giáo phận Villa Devoto, lựa chọn con đường trở thành linh mục.

Ông hoàn thành chương trình học về khoa học nhân văn tại Chile và trở về Argentina vào năm 1963, sau đó hoàn thành bằng triết học tại Đại học Maximo San Jose ở San Miguel.

Ông hoàn thành nghiên cứu thần học và được truyền chức linh mục ngày 13/12/1969.

Giám tỉnh Bergolio cầm chén thánh làm lễ tại chủng viện San Miguel, Buenos Aires, năm 1976. Bốn năm sau, ông trở thành người đứng đầu chủng viện.

Năm 1986, ông sang Đức hoàn thành luận án tiến sĩ. Năm 1992, giáo hoàng John Paul II bổ nhiệm ông làm giám mục hiệu tòa Auca và giám mục phụ tá Buenos Aires.

Năm 1998, ông trở thành Tổng Giám mục, giáo trưởng, giám quản cho các tín hữu nghi lễ Đông phương ở Argentina.

Tại Công nghị ngày 21/2/2001, Giáo hoàng John Paul II đã tấn phong ông làm hồng y, trao cho ông tước hiệu Hồng y Nhà thờ San Roberto Bellarmino.

Khi này, ông đã yêu cầu các tín hữu không đến Roma để ăn mừng việc ông được tấn phong, mà hãy quyên góp cho người nghèo số tiền mà họ dự định chi tiêu cho chuyến đi.

Hồng y Bergoglio (phải) dự thánh lễ tại Vatican, ngày 18/4/2005.

Trên cương vị một Hồng y, các bài giảng của ông luôn có tác động sâu rộng ở Argentina, Italy, cũng như trên toàn thế giới. Ông thường nhấn mạnh đến khả năng hòa nhập xã hội, gián tiếp chỉ trích các chính phủ không quan tâm đến những người ở bên lề xã hội.

Ông kiên trì với lối sống gần như là khổ hạnh. Ở Buenos Aires, ông sống trong một căn hộ giản dị. Khi tới Rome, ông thường mặc áo choàng đen và được cho là mặc lại áo choàng hồng y mà người tiền nhiệm từng dùng.

Giáo hoàng Francis tại thánh lễ ở Vatican, ngày 12/12/2014.

Trong những năm đảm nhiệm vai trò đứng đầu Vatican, Giáo hoàng Francis nỗ lực bảo vệ những người yếu thế, từ người di cư đến các cộng đồng bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu.

Đề cao vai trò phụng sự Chúa, phụng sự nhân loại, Giáo hoàng Francis được đánh giá là dễ gần hơn so với những người tiền nhiệm, luôn thể hiện sự khiêm nhường, giản dị và thường tự thực hiện các cuộc gọi, đôi khi là gọi cho các góa phụ, nạn nhân bị cưỡng hiếp hoặc tù nhân. Ông cũng sẵn sàng trò chuyện với người trẻ tuổi về nhiều vấn đề.

Giáo hoàng Francis tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm Vatican ngày 24/5/2017.

Giáo hoàng đặc biệt quan tâm tới các sự kiện gây bất ổn thế giới mà nổi bật trong những năm gần đây là xung đột ở Ukraine và cuộc khủng hoảng tại Dải Gaza.

Trong thông điệp Giáng sinh ở Vatican năm ngoái, ông kêu gọi các bên “có sự táo bạo cần thiết để mở cánh cửa đàm phán và sẵn sàng đối thoại, hợp tác để đạt được một nền hòa bình công bằng và lâu dài” cho Kiev.

Giáo hoàng Francis ban phép lành cho người dân Iraq khi ông thăm nước này vào tháng 3/2021.

Ông tiếp tục đặt mối quan tâm về bất bình đẳng kinh tế lên hàng đầu trong các thông điệp của mình. Trong cuốn Evangelii Gaudium (Niềm vui Phúc âm), tác phẩm lớn đầu tiên Giáo hoàng viết kể từ khi nhậm chức, ông chỉ trích việc sùng bái tiền bạc và tôn thờ vật chất.

Các học sinh mặc trang phục truyền thống Hồi giáo tại Manama, thủ đô Bahrain đón Giáo hoàng Francis ngày 5/11/2022.

Ông ca ngợi tình hữu nghị giữa người Công giáo và người Hồi giáo, kêu gọi tôn trọng mọi tôn giáo, không áp đặt cải đạo và không cản trở thực hành tín ngưỡng.

“Chúa Jesus dạy chúng ta đón nhận nhau như anh em, bất kể Kitô hữu, Do Thái hay Hồi giáo. Chúng ta đều là thành viên trong gia đình nhân loại duy nhất, cùng thờ phượng một Chúa duy nhất theo cùng quy chiếu, dù theo những cách thức khác nhau”, ông nói.

Trong ngày Thứ năm Tuần thánh 28/3/2024, Giáo hoàng Francis tới nhà tù Rebibbia ở Rome, tiến hành nghi lễ rửa chân cho 12 tù nhân nữ. Ông đổ nước lên chân từng người, dùng khăn trắng lau khô nhẹ trước khi hôn lên bàn chân 12 tù nhân. Nhiều người đã khóc vì xúc động.

Thứ năm Tuần Thánh, hay Thứ năm Rửa chân, là một ngày lễ quan trọng trong Tuần Thánh của Công giáo, diễn ra trước Lễ Phục sinh để tưởng nhớ Bữa ăn tối cuối cùng của Chúa Jesus và 12 tông đồ.

Chúa Jesus đã rửa chân cho các tông đồ để răn dạy rằng cúi mình rửa chân là đặt mình ngang chân người khác, biết bỏ đi cái tôi để phục vụ bằng tình yêu. Giáo hoàng Francis giải thích rằng lễ rửa chân “là một cử chỉ nhắc nhở cách chúng ta nên đối xử với nhau”.

Cuộc đời và di sản của Giáo hoàng Francis

Những khoảnh khắc ghi dấu ấn của Giáo hoàng Francis. Video: Reuters

Giáo hoàng Francis mở Cửa Thánh để đánh dấu khai mạc Năm Thánh Công giáo 2025 tại Vatican, ngày 24/12/2024.

Vài năm gần đây, Giáo hoàng đối mặt nhiều vấn đề về sức khỏe. Ông nhập viện ngày 14/2 để điều trị viêm phổi, rồi phải nằm viện trong suốt những ngày còn lại của tháng 2 do bệnh diễn biến “rất phức tạp”.

Bất chấp lời khuyên nghỉ ngơi hoàn toàn của các bác sĩ, Giáo hoàng vẫn tiến hành nhiều hoạt động trong những ngày cuối đời.

Lần xuất hiện cuối cùng của Giáo hoàng Francis

Lần xuất hiện cuối cùng trước công chúng của Giáo hoàng Francis ngày 20/4. Video: Vatican News, AFP

Vào lúc 7h35 sáng nay (12h35 giờ Hà Nội), Vatican thông báo Giáo hoàng Francis đã từ trần, hưởng thọ 88 tuổi.

Ông đã dành gần như cả cuộc đời cống hiến cho Giáo hội, là tiếng nói mạnh mẽ truyền thông điệp về tình yêu, bình đẳng, kêu gọi lòng thương với người nghèo khó. “Dân tôi nghèo và tôi là một trong số họ”, Giáo hoàng nhiều lần nói.

Di hài của Giáo hoàng sẽ được quàn tại Vương cung thánh đường Thánh Peter để công chúng tới viếng. Chuỗi nghi lễ để tang kéo dài 9 ngày, với thời gian cụ thể sẽ do các Hồng y quyết định. Lúc sinh thời, Giáo hoàng Francis yêu cầu được an táng trong chiếc quan tài gỗ đơn giản.


source
Written by

Leave a comment