Ipos Việt Giải Pháp Dữ Liệu Bạn

UAV xốp nhựa Nga tập kích tổ hợp 'quái vật Frankenstein' Ukraine

Lực lượng Nga dùng một chiếc Gerbera, UAV mồi nhử làm từ xốp nhựa, để tấn công xe phòng không FrankenSAM Ukraine đang di chuyển.

Trang tin quân sự RusVesna của Nga ngày 19/4 công bố video từ máy bay không người lái (UAV) tự sát Gerbera nhắm tới một xe chở đạn kiêm bệ phóng và radar thuộc tổ hợp Buk-M1 của quân đội Ukraine, khi nó đang di chuyển với tốc độ cao.

Giao diện điều khiển của chiếc Gerbera chỉ có điểm ngắm cố định, không có khung nhận diện và tự động khóa mục tiêu như dòng Lancet. Chưa rõ phi cơ được điều khiển thủ công hay tập kích trong chế độ tự động.

UAV trinh sát trên cao ghi lại khoảnh khắc chiếc Gerbera lao trúng mục tiêu và phát nổ. Xe phòng không Ukraine tiếp tục di chuyển thêm một đoạn, kíp vận hành sau đó bỏ xe trong lúc khói trắng bốc lên.

UAV xốp nhựa Nga tấn công bệ phóng tên lửa 'quái vật Frankestein' Ukraine

UAV Gebera Nga tập kích tổ hợp FrankenSAM của Ukraine trong video công bố ngày 19/4. Video: RusVesna

“Dòng Gerbera trước đây chỉ được dùng làm UAV mồi nhử phòng không đối phương, nhưng giờ cũng được trang bị đầu đạn tấn công. Không may là đòn tập kích chưa hoàn toàn thành công, nhưng vẫn khiến mục tiêu bị hư hại”, trang tin Nga cho hay.

Hình ảnh từ UAV Nga cho thấy xe Buk-M1 lắp ống phóng kín chứa tên lửa phòng không hải quân RIM-7 Sea Sparrow do Mỹ chế tạo. Loại bệ phóng này được đặt biệt danh là “quái vật Frankenstein”, hay còn gọi là FrankenSAM.

Bộ Quốc phòng Nga và quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin.

Gerbera là UAV đa nhiệm giá rẻ, được chế tạo từ vật liệu như xốp nhựa để giảm chi phí. Phi cơ được lắp camera và SIM của nhà mạng Ukraine, có nhiệm vụ xác định trận địa và thu hút hỏa lực phòng không của đối phương, mở đường cho UAV tự sát dòng Geran-2 và tên lửa.

Nga sau đó lắp đầu nổ cho Gebera, biến chúng thành UAV tự sát hoàn chỉnh. Trong số này có đầu nổ phá mảnh OFBCH-2.5, sử dụng thuốc nổ có sức công phá mạnh gấp 1,7 lần thuốc nổ TNT cùng khối lượng, và đầu nổ xuyên phá KZ-6 nặng khoảng 1,8 kg có thể xuyên thủng thép cán đồng nhất dày 215 mm hoặc bê tông dày hơn nửa mét.

Xe phóng kiêm radar thuộc tổ hợp FrankenSAM của Ukraine trong ảnh công bố hồi tháng 5/2024. Ảnh: Defense Express

Xe phóng kiêm radar thuộc tổ hợp FrankenSAM của Ukraine trong ảnh công bố hồi tháng 5/2024. Ảnh: Defense Express

Thông tin về chương trình FrankenSAM lần đầu xuất hiện hồi tháng 4/2023, sau khi loạt tài liệu mật của tình báo Mỹ bị rò rỉ trên mạng xã hội. Đây là chương trình thử nghiệm do Mỹ cùng Ukraine thực hiện, nhằm ghép nối tên lửa phương Tây với những tổ hợp phòng không thời Liên Xô mà Ukraine có rất nhiều trong kho.

Các binh sĩ Ukraine thừa nhận tên lửa RIM-7, vốn được thiết kế cho chiến hạm, có tầm bắn thua kém so với đạn của mẫu Buk-M1 nguyên bản, song không nêu con số cụ thể. Dữ liệu do nhà sản xuất công bố cho thấy đạn 9M38 đời đầu của hệ thống Buk có tầm bắn 25-35 km, trong khi RIM-7 có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 19-20 km.

Tầm bắn giảm khiến tổ hợp FrankenSAM phải triển khai gần tiền tuyến hơn, đồng nghĩa khả năng bị phát hiện và tập kích cũng cao hơn. Để giảm thiểu nguy cơ này, tổ vận hành sử dụng các biện pháp ngụy trang và cẩn thận lựa chọn vị trí khai hỏa.

Nguyễn Tiến (Theo RIA Novosti, Zvezda, AP)


source
Written by

Leave a comment