Ipos Việt Giải Pháp Dữ Liệu Bạn
Xung đột Nga – Ukraine ba năm qua đã gây tổn thất nặng nề cho hai nước và tạo ra nhiều biến động trên thế giới, với triển vọng kết thúc chưa thực sự rõ ràng.
“Phù hợp với Điều 51, Phần 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, lệnh trừng phạt từ Hội đồng Liên bang Nga và theo các hiệp ước hữu nghị, tương trợ với Cộng hòa Nhân dân Donbass và Cộng hòa Nhân dân Lugansk đã được quốc hội phê chuẩn, tôi quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt”, Tổng thống Nga Vladimir Putin sáng 24/2/2022 tuyên bố trong bài phát biểu bất ngờ trên truyền hình, mở đầu cuộc xung đột đẫm máu giữa Nga và Ukraine.
Trước khi phát động chiến dịch tại Ukraine, Nga đã đưa ra ba yêu cầu với NATO, gồm không tiếp tục mở rộng về phía đông, từ bỏ triển khai các hệ thống vũ khí tấn công gần biên giới Nga và đưa hạ tầng quân sự của NATO ở châu Âu về trạng thái năm 1997, khi thỏa thuận giữa Nga và NATO được ký kết.
Tổng thống Putin đầu năm 2022 nói rằng nếu trở thành thành viên NATO, Ukraine sẽ “đầy ắp” vũ khí và được quyền tiếp cận các vũ khí tấn công tối tân. Ông cảnh báo những diễn biến như vậy có thể thúc đẩy Kiev tiến hành hoạt động quân sự để giành lại Crimea, buộc Moskva hành động đáp trả. Ông nhấn mạnh Nga muốn tránh xảy ra xung đột và điều đó sẽ chỉ có thể thực hiện được nếu lợi ích của tất cả các bên, bao gồm Moskva, được tính đến.
Tuy nhiên, phương Tây lúc đó cho rằng các yêu cầu của Nga, trong đó có việc NATO không mở rộng về phía đông và kết nạp Ukraine, vi phạm chính sách mở cửa của khối, do đó đã không đàm phán hay thảo luận với Nga về “tối hậu thư” này.
Điều này khiến ông Putin cho rằng “cỗ máy chiến tranh của NATO đang di chuyển và áp sát biên giới Nga”, tạo ra mối đe dọa khiến Moskva “không thể phát triển, cảm thấy an toàn hoặc tồn tại”. Với cáo buộc Ukraine tiến hành “cuộc diệt chủng” ở Cộng hòa Nhân dân Donbass và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tại vùng Donbass, miền đông đất nước, ông Putin phát lệnh tấn công.
Ông đề ra mục tiêu của chiến dịch là “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine”, khẳng định lực lượng Nga không có kế hoạch chiếm đóng Ukraine. Tổng thống Putin khi đó dường như mong đợi một chiến thắng chóng vánh, lật đổ chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky và đưa Ukraine trở lại quỹ đạo của Nga.
Diễn biến
Những gì Nga mô tả là “chiến dịch quân sự đặc biệt” đã trở thành cuộc xung đột lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến II. 200.000 binh sĩ Nga tiến vào lãnh thổ nước láng giềng từ hướng bắc, đông và nam, với mục tiêu “đánh nhanh, thắng nhanh”, nhưng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân đội Ukraine, khiến cuộc chiến tiếp diễn trong ba năm tiếp theo mà chưa ngã ngũ.
Binh sĩ Ukraine khai hỏa về phía quân đội Nga ở Donetsk, tháng 5/2024. Ảnh: Kyiv Independent
Trong những ngày đầu chiến dịch, quân đội Nga đã tiến đến vùng ngoại ô thủ đô Kiev, nhưng chịu tổn thất nặng nề và phải đối đầu với các cuộc tấn công của Ukraine vào những tuyến tiếp tế quan trọng, khiến chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” sụp đổ.
Hai nước đã tổ chức các vòng đàm phán trực tuyến và trực tiếp tại Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 2, và gần như đã đi đến một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh, trong đó Ukraine chấp nhận không gia nhập NATO và hạn chế năng lực quân sự của mình, đổi lấy việc Nga rút quân về vị trí trước xung đột.
Nga cuối tháng 3/2022 tuyên bố rút quân khỏi ngoại ô Kiev để “thể hiện thiện chí”. “Quân đội của chúng tôi đã rời khỏi trái tim Ukraine, Kiev, để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán tiếp theo nhằm hoàn tất hiệp định hòa bình”, ông Putin cho hay.
Tuy nhiên, Ukraine và Mỹ cho rằng việc Nga rút quân khỏi Kiev là “không thể tránh khỏi”, khi lực lượng Ukraine liên tiếp đạt thành công trên thực địa và gây tổn thất đáng kể cho đoàn xe tăng, thiết giáp Nga đang ùn ứ trên đường.
Khi quân đội Ukraine tiến vào tiếp quản thị trấn Bucha gần Kiev, họ cáo buộc binh sĩ Nga đã có hành động “thảm sát” trong thời gian kiểm soát khu vực này, khiến hơn 450 thường dân thiệt mạng. Ông Zelensky đã rất giận dữ, cho rằng đây là “hành động diệt chủng” của quân đội Nga.
Nga trong khi đó phủ nhận cáo buộc “thảm sát dân thường” của Ukraine và phương Tây, cho rằng đây là những thông tin sai lệch do Kiev dàn dựng nhằm “bôi nhọ” Moskva. Tổng thống Putin nói rằng cáo buộc liên quan đến Bucha “đều được dựng lên giống những gì đã xảy ra ở Syria” và tạo cớ cho loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhắm vào Moskva.
Kể từ đây, đàm phán Nga – Ukraine sụp đổ. Kiev, với sự hậu thuẫn về chính trị và vũ khí của phương Tây, tuyên bố sẽ gây ra “thất bại chiến lược” cho Moskva. Tháng 10/2022, Ukraine bất ngờ mở chiến dịch phản công quy mô lớn, đánh bật lực lượng Nga khỏi gần như toàn bộ tỉnh Kharkov phía đông bắc và vùng Kherson phía nam, buộc Nga phải rút quân về vùng Donbass để củng cố thế trận phòng ngự.
Kết quả của chiến dịch phản công này đã khích lệ phương Tây bơm thêm vũ khí cho Ukraine, huấn luyện các đơn vị quân đội nước này để mở chiến dịch mới vào mùa hè năm 2023 nhằm giành lại toàn bộ lãnh thổ. Nhưng loạt sai lầm về chiến thuật, chiến lược đã khiến chiến dịch phản công này của Ukraine trở thành thảm họa, khiến họ mất nhiều đơn vị tinh nhuệ và hàng loạt xe tăng, thiết giáp hiện đại trước phòng tuyến vững chắc của Nga.
Từ giữa năm 2023, Nga dần thích nghi với hoàn cảnh chiến trường, chuyển từ phòng ngự sang tấn công dọc theo mặt trận dài 1.000 km vào bắt đầu đạt được những thành quả “chậm mà chắc”, lần lượt kiểm soát nhiều thành trì ở miền đông Ukraine. Mùa đông năm đó, Nga tăng cường tập kích cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine bằng hàng loạt tên lửa và máy bay không người lái (UAV), phá hủy nghiêm trọng lưới điện nước này, khiến hàng triệu người Ukraine sống trong tối tăm và lạnh lẽo suốt thời gian dài.
Sang năm 2024, dấu hiệu mệt mỏi vì xung đột kéo dài đã xuất hiện cả ở Ukraine lẫn các nước phương Tây. Ukraine rơi vào tình cảnh thiếu quân nghiêm trọng, khi phần lớn lực lượng tinh nhuệ và nhiệt thành chiến đấu nhất đã thiệt mạng trong giao tranh, trong khi tân binh thiếu kinh nghiệm và ý chí cầm súng.
Nỗ lực hạ độ tuổi tuyển quân từ 27 xuống 25 của chính quyền Tổng thống Zelensky vấp phải nhiều phản đối của người dân, châm ngòi cho làn sóng trốn ra nước ngoài của thanh niên nước này.
Trong khi đó, Nga có nguồn binh lực dồi dào hơn nhờ lệnh động viên một phần của Tổng thống Putin và chính sách đãi ngộ cho những người xung phong đến Ukraine chiến đấu. Đến mùa thu năm ngoái, lực lượng Nga đã kiểm soát nhiều lãnh thổ nhất kể từ khi giao tranh nổ ra.
Ukraine bất ngờ tiến hành chiến dịch tấn công qua biên giới hồi tháng 8/2024 nhằm vào tỉnh Kursk của Nga để cố gắng phân tán lực lượng Moskva ở miền đông và giành thêm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng.
Kiev hiện vẫn giữ được một số khu vực ở Kursk, nhưng với nguồn lực ngày càng hạn chế, nỗ lực bảo vệ các thành trì ở miền đông đang trở nên khó khăn hơn.
Tổn thất
Theo giới quan sát, chiến sự Ukraine là cuộc xung đột đẫm máu và tốn kém nhất kể từ sau Thế chiến II. Mặc dù khó có thể đưa ra con số thương vong chính xác, vào tháng 9/2024, báo Wall Street Journal ước tính giao tranh đã khiến hơn 250.000 người thiệt mạng và khoảng 800.000 người bị thương. Con số thương vong vẫn tiếp tục tăng lên kể từ đó.
Xung đột cũng là một thảm họa về nhân khẩu học và kinh tế đối với Ukraine. Dân số thường trú của Ukraine hiện còn khoảng 28-30 triệu người, giảm 25% so với trước chiến sự. Hàng triệu người dân Ukraine trở thành người tị nạn, vô số thành phố biến thành đống đổ nát.
Năm 2024, Ukraine có tỷ lệ tử vong cao nhất và tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Quy mô dân số của nước này được dự báo tiếp tục giảm nếu hòa bình không được lập lại.
Ukraine đã là một trong những quốc gia, vùng lãnh thổ nghèo nhất châu Âu trước chiến sự, với GDP thấp thứ hai khu vực, chỉ trên Kosovo, với giá trị ước tính chỉ khoảng 200 tỷ USD. Giới chuyên gia ước tính đến cuối năm 2025, cuộc xung đột sẽ khiến Ukraine phải hứng chịu khoản lỗ tích lũy 120 tỷ USD về GDP, đồng thời thiệt hại 1.000 tỷ USD về cơ sở hạ tầng và vốn.
Một tòa nhà bị phá hủy tại làng Novopavlivka, vùng Dnipropetrovsk, Ukraine, hôm 18/2. Ảnh: Reuters
Moskva không công bố thương vong từ chiến sự, song theo quân đội Ukraine, họ đã hạ 850.000 binh sĩ Nga và phá hủy hơn 10.000 xe tăng kể từ đầu cuộc xung đột.
Hơn 300 tỷ USD tài sản Nga đang bị đóng băng tại các ngân hàng phương Tây. Loạt lệnh trừng phạt chưa từng có khiến nhiều ngân hàng Nga bị cắt khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu, các doanh nghiệp nước này không được tiếp cận với nhiều dịch vụ, hàng hóa, công nghệ tiên tiến của phương Tây.
Châu Âu, trước đây nhập 40% khí đốt từ Nga, đã dần thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào nguồn năng lượng giá rẻ này. Nền kinh tế Nga đã cảm thấy phần nào áp lực. Lạm phát tăng vọt thúc đẩy ngân hàng trung ương Nga tăng lãi suất tiêu chuẩn lên 21%.
Xung đột không chỉ gây ra tổn thất ở Nga và Ukraine, mà còn gây đảo lộn nhiều khía cạnh của thế giới. Đã có những tác động rõ rệt đến giá lương thực toàn cầu, đặc biệt là đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình, do gián đoạn nguồn cung nông sản từ Ukraine và Nga.
Các quốc gia châu Âu cũng phải gánh chịu những hệ lụy từ cuộc xung đột khi giá năng lượng tăng cao. Phần lớn chi phí tài chính để hỗ trợ quân đội và nền kinh tế Ukraine đang đổ lên đầu người nộp thuế ở các quốc gia đồng minh phương Tây.
Tính đến cuối năm 2024, chính phủ Mỹ đã chi khoảng 120 tỷ USD viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo cho Ukraine, điều mà Tổng thống Donald Trump hoàn toàn không hài lòng.
Ông Trump đổ lỗi cho Kiev vì đã không đạt được thỏa thuận với Moskva ngay từ đầu nhằm ngăn xung đột bùng phát, ca ngợi sức mạnh quân sự Nga và thậm chí gợi ý rằng Ukraine “có thể là của Nga một ngày nào đó”.
Tương lai chiến sự
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Trump cam kết sẽ nhanh chóng chấm dứt chiến sự Nga – Ukraine và bắt đầu nỗ lực đó bằng cuộc điện đàm với ông Putin, đảo ngược chính sách cô lập Nga kéo dài ba năm qua của Mỹ.
Hai lãnh đạo nhất trí “phối hợp chặt chẽ” để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Tổng thống Mỹ cũng cho thấy ông đồng tình với yêu cầu từ Tổng thống Putin về vấn đề then chốt liên quan đến tư cách thành viên NATO của Ukraine, điều mà Mỹ và các thành viên khác trong liên minh trước đây mô tả là “không thể đảo ngược”.
“Họ đã nói suốt một thời gian dài rằng Ukraine không thể gia nhập NATO. Và tôi đồng ý với điều đó”, ông Trump cho hay.
Phái đoàn Nga – Mỹ sau đó đàm phán tại Arab Saudi mà không mời Ukraine tham gia, phá vỡ chính sách “không có gì về Ukraine mà Kiev không được phép tham dự” của chính quyền cựu tổng thống Joe Biden.
Khi các quan chức cấp cao Nga và Mỹ chuẩn bị cho lần đàm phán tiếp theo cũng như cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai lãnh đạo, Tổng thống Putin dường như đang tiến gần hơn bao giờ hết tới mục đích ngăn Ukraine gia nhập NATO, đồng thời củng cố lợi ích của Nga đối với khoảng 20% lãnh thổ nước này mà Moskva đã tuyên bố sáp nhập.
Phái đoàn Mỹ, Nga tại phòng họp Cung điện Diriyah, Riyadh, ngày 18/2 với các quan chức Arab Saudi làm trung gian. Ảnh: Reuters
Tổng thống Zelensky khẳng định không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào mà không có Ukraine tham dự, nhấn mạnh rằng các đồng minh châu Âu của họ cũng phải tham gia vào tiến trình đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, ông Trump cho rằng Kiev hiện không có bất cứ quân bài nào để mặc cả và Mỹ – Nga sẽ tiếp tục đàm phán trong thời gian tới mà không có sự tham gia của Ukraine hay các nước châu Âu.
Trong khi chính quyền Trump nói rằng các đồng minh châu Âu không được chào đón tại những cuộc đàm phán hòa bình, Mỹ lại yêu cầu châu Âu cung cấp bảo đảm an ninh cho Ukraine theo cách mà cựu đại sứ Anh Nigel Gould-Davies mô tả là “đầy mâu thuẫn”.
Washington “đã ra tín hiệu rằng chỉ mình Mỹ sẽ tham gia đàm phán chấm dứt xung đột, nhưng chỉ mình châu Âu phải trả giá và thực thi kết quả mà họ không tham gia quyết định”, Gould-Davies, hiện là chuyên gia cấp cao về Nga và Á – Âu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, trụ sở tại London, Anh, bình luận.
Trong khi đó, Nga hoan nghênh lập trường của Mỹ về chấm dứt xung đột. Các mục tiêu chính Nga hướng đến sau ba năm chiến sự vẫn không thay đổi, đó là Kiev từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và duy trì việc sử dụng tiếng Nga ở nước này, nhằm giữ Ukraine trong vòng ảnh hưởng của mình.
Tổng thống Putin cho biết thỏa thuận hòa bình tương lai có thể dựa trên dự thảo được đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ từ đầu xung đột, nhưng Nga giờ đây còn muốn Ukraine rút quân khỏi 4 tỉnh mà nước này sáp nhập hồi tháng 9/2022.
Lãnh đạo Nga đã loại trừ khả năng đàm phán một lệnh ngừng bắn, cho rằng nó sẽ có lợi cho Ukraine. Nhưng một số nhà quan sát cho rằng Tổng thống Putin có thể chấp nhận nếu Ukraine đồng ý tổ chức bầu cử sau ngừng bắn.
Dù vậy, nhiều người tin rằng Tổng thống Putin hiện không có gì phải vội vàng thực hiện một thỏa thuận hòa bình ở Ukraine.
“Các cuộc đàm phán có vẻ đáng khao khát, nhưng không quá cần thiết với Nga trong việc đạt được các mục tiêu ở Ukraine”, Tatiana Stanovaya, thành viên cấp cao tại Trung tâm Carnegie về Nga và Á – Âu, nhận định.
“Gần như bất kỳ kết quả đàm phán nào cũng sẽ là kết quả tốt với Moskva”, bà nói thêm, trong bối cảnh nền tảng đoàn kết và sự ủng hộ đối với Ukraine ở phương Tây ngày càng bị xói mòn khi chiến sự kéo dài, còn Nga đang giành được nhiều lợi thế trên chiến trường.
Cục diện chiến sự Nga – Ukraine sau ba năm. Đồ họa: RYV
Vũ Hoàng (Theo AP, Viện Quincy, Viện Brookings)
Leave a comment