Ipos Việt Giải Pháp Dữ Liệu Bạn
Truyền thông Mỹ đưa tin quan chức nước này nêu khả năng cắt sóng dịch vụ Starlink để gây sức ép với Ukraine trong đàm phán về khoáng sản.
Reuters hôm 21/2 dẫn lời các nguồn tin giấu tên am hiểu tình hình cho biết vấn đề Ukraine có được tiếp tục sử dụng dịch vụ Internet vệ tinh Starlink hay không đã được Washington nêu ra trong các cuộc thảo luận với Kiev, sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky từ chối ký thỏa thuận khoáng sản với Mỹ trong chuyến dự hội nghị ở Đức tuần trước.
Theo một nguồn tin, vấn đề này được nhắc lại trong cuộc họp giữa đặc phái viên Mỹ về Ukraine Keith Kellogg với Tổng thống Zelensky hôm 20/2. Tại cuộc họp, giới chức Ukraine được thông báo về nguy cơ Mỹ “cắt sóng Starlink” nếu không đạt được thỏa thuận về khoáng sản.
“Ukraine đang sử dụng Starlink, coi đó là ngôi sao dẫn đường. Mất Starlink sẽ là đòn giáng mạnh vào Ukraine”, nguồn tin này nói thêm.
Binh sĩ Ukraine cạnh chảo thu phát sóng Starlink tại tỉnh Lugansk tháng 1/2023. Ảnh: Reuters
Giới chức Mỹ, Ukraine và SpaceX, công ty vận hành Starlink, chưa bình luận về thông tin.
Tỷ phú Elon Musk, người sở hữu SpaceX, đã cho chuyển hàng nghìn thiết bị đầu cuối Starlink đến Ukraine để thay thế các hệ thống truyền dẫn tín hiệu bị phá hủy sau khi xung đột bùng phát tháng 2/2022.
Starlink cung cấp kết nối Internet cho quân đội và người dân Ukraine. Dịch vụ từng gián đoạn ít nhất một lần vào mùa thu năm 2022, thời điểm ông Musk chỉ trích cách Ukraine xử lý xung đột với Nga.
Melinda Haring, chuyên gia tại viện nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương tại Mỹ, đánh giá Starlink đóng vai trò thiết yếu đối với thiết bị không người lái (drone), vốn là một trong các trụ cột chính trong hoạt động tác chiến của Ukraine.
“Mất Starlink sẽ là bước ngoặt. Ukraine đang đạt thế cân bằng với Nga về drone và đạn pháo. Họ sở hữu nhiều phương tiện như xuồng không người lái, drone trinh sát và tiến công tầm xa”, bà nói.
Giới chức Ukraine mùa thu năm 2024 nêu ý tưởng mở cửa đầu tư lĩnh vực khai thác khoáng sản quan trọng cho các đồng minh. Đây là một phần “kế hoạch chiến thắng” mà Ukraine muốn thực hiện để đạt vị thế cao nhất trong đàm phán và buộc Nga phải tham gia.
Tổng thống Mỹ Donald Trump chấp nhận ý tưởng này, cho biết ông muốn Ukraine đổi đất hiếm cùng các khoáng sản khác lấy hỗ trợ tài chính, viện trợ quân sự. Tuy nhiên, ông Zelensky từ chối đề nghị dùng lượng khoáng sản trị giá 500 tỷ USD để thanh toán khoản viện trợ từ Mỹ, cho rằng Washington không đưa ra bất cứ đảm bảo an ninh cụ thể nào.
Binh sĩ Ukraine mở hộp thiết bị Starlink tháng 7/2022. Ảnh: Newsy
Tổng thống Ukraine tuần trước còn bác bỏ đề xuất chi tiết của Washington, theo đó Mỹ và các công ty nước này sẽ nhận được 50% khoáng sản quan trọng của Ukraine, trong đó có than chì, uranium, titan và lithium.
Rạn nứt xuất hiện giữa lãnh đạo Mỹ và Ukraine kể từ đó. Ông Trump chỉ trích ông Zelensky là “nhà độc tài không được bầu” và ám chỉ Ukraine khơi mào xung đột. Tổng thống Ukraine sau đó nói ông Trump đang “sống trong bong bóng thông tin sai lệch của Nga”.
Nguyễn Tiến (Theo AFP, AP, Reuters)
Leave a comment