Ipos Việt Giải Pháp Dữ Liệu Bạn

Châu Âu tranh cãi về ý tưởng điều quân đến Ukraine

Anh đề xuất ý tưởng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine, châm ngòi làn sóng ủng hộ lẫn phản đối của loạt nước châu Âu trước thềm hội nghị khẩn cấp.

Hôm 16/2, một ngày trước thượng đỉnh khẩn cấp tại Pháp ngày 17/2 về tương lai an ninh châu Âu, Thủ tướng Anh Keir Starmer tuyên bố trên Daily Telegraph rằng nước này sẵn sàng điều động binh sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình sau khi chiến sự Ukraine kết thúc.

Ông Starmer nhấn mạnh bản thân đã rất trăn trở trước khi đưa ra quyết định này, nhưng cho rằng việc châu Âu đảm bảo hòa bình lâu dài cho Ukraine là cần thiết. “Một khi chiến tranh kết thúc, hòa bình không thể chỉ là một khoảng nghỉ ngơi tạm thời trước khi Nga tấn công Ukraine một lần nữa”, ông viết.

Phát biểu của Thủ tướng Starmer ngay trước khi lãnh đạo 6 nước Tây Âu trong Liên minh châu Âu (EU), Anh và các quan chức NATO cùng EU tới Paris dự hội nghị thượng đỉnh do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì. Trước khi khai mạc hội nghị, ông Macron đã có cuộc điện đàm kéo dài 20 phút với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang xúc tiến đàm phán với Nga về chiến sự Ukraine mà không có sự tham gia của châu Âu.

Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Pháp cũng nêu đề xuất về triển khai một “lực lượng răn đe” đóng ở hậu phương, chứ không phải đường ngừng bắn tương lai ở Ukraine, theo tiết lộ từ các quan chức được thông báo về cuộc họp.

Sau cuộc họp thượng đỉnh, các quan chức EU cho hay châu Âu sẵn sàng cung cấp các đảm bảo an ninh cho Ukraine, nhưng “với phương thức sẽ được từng bên xem xét, tùy thuộc cả vào mức độ hỗ trợ của Mỹ”, cho thấy khối chưa đạt được sự đồng thuận về ý tưởng triển khai quân đến Ukraine.

Tuyên bố từ lãnh đạo các nước sau cuộc họp đã cho thấy bất đồng về đề xuất điều động quân đội đến Ukraine cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình. Đức, Italy, Ba Lan và Tây Ban Nha phản đối kế hoạch này, trong khi Anh vẫn kiên định về ý tưởng và nhận được sự ủng hộ dè dặt từ Pháp, Đan Mạch và Hà Lan.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Anh Keir Starmer tại Điện Elysee, Paris, ngày 17/2. Ảnh: Reuters

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Anh Keir Starmer tại Điện Elysee, Paris, ngày 17/2. Ảnh: Reuters

Khi được hỏi về khả năng điều lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine, Thủ tướng Starmer nói chưa thể xác định Anh sẽ triển khai bao nhiêu binh sĩ vì các cuộc đàm phán “mới bước vào những chặng đầu tiên”.

Tuy nhiên, ông tái khẳng định châu Âu cần hành động có trách nhiệm và London “sẵn sàng xem xét việc triển khai quân đội Anh ở thực địa cùng các nước khác”, nếu các bên đạt được thỏa thuận hòa bình lâu dài cho Ukraine. “Phương án này phải có sự hậu thuẫn từ Mỹ, vì đảm bảo an ninh từ Mỹ là cách duy nhất để ngăn chặn Nga quay lại tấn công Ukraine”, ông nhấn mạnh.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết bà “sẵn sàng thảo luận nhiều khả năng khác nhau”, trong đó có triển khai quân đội đến Ukraine, nhưng nhấn mạnh rằng vẫn còn nhiều yếu tố cần được làm rõ trước khi đưa ra quyết định.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz lại thẳng thừng bác bỏ ý tưởng này, cho rằng mọi thảo luận về triển khai quân đến Ukraine là “hoàn toàn không phù hợp” khi chiến sự còn chưa chấm dứt. “Cuộc tranh luận này thật không thể hiểu nổi, diễn ra vào thời điểm không thích hợp và về một chủ đề không phù hợp”, ông nói.

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cũng bày tỏ sự do dự, cho rằng gửi quân đến Ukraine là “phương án phức tạp nhất và ít có khả năng hiệu quả nhất” đối với các đồng minh châu Âu. Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ, khẳng định “không bên nào đang xem xét gửi quân sang Ukraine”, đồng thời lưu ý rằng “hòa bình còn cách rất xa”.

Mặc dù Ba Lan tăng đầu tư đáng kể cho quốc phòng từ khi chiến tranh Ukraine bùng nổ vào năm 2022, Thủ tướng Donald Tusk nói Warsaw chưa sẵn sàng gửi quân tham gia bất kỳ sáng kiến gìn giữ hòa bình nào tại nước láng giềng. “Nhưng chúng tôi có thể hỗ trợ về hậu cần và chính trị cho những nước nào muốn thực thi hình thức đảm bảo an ninh như vậy cho Ukraine trong tương lai”, ông Tusk nói.

Một quan chức Anh chỉ trích thái độ do dự của một số nước châu Âu. Ông khẳng định London “không cần mọi người đều nói ‘Có’, chỉ cần đủ số lượng đồng ý” là sẽ triển khai phương án đưa quân đến Ukraine.

Quân nhân Ukraine huấn luyện ở thao trường tại Anh hồi năm 2022. Ảnh: BQP Anh

Quân nhân Ukraine huấn luyện ở thao trường tại Anh hồi năm 2022. Ảnh: BQP Anh

Đối với nhiều quốc gia châu Âu, quyết định điều quân tới Ukraine đòi hỏi phải có sự ủng hộ của công chúng trong nước và tính toán lại nguồn lực quốc phòng vốn đã eo hẹp. Pháp đang có nhiều dư địa chính sách hơn so với các nước khác, một phần do nước này gần đây rút nhiều lực lượng đồn trú khỏi châu Phi.

Một số quốc gia lại sắp bước vào các cuộc bầu cử quan trọng, như bầu quốc hội ở Đức hay bầu tổng thống ở Ba Lan. Bởi vậy, lãnh đạo các nước này cần thận trọng với những quyết định lớn, đặc biệt khi cuộc chiến Nga – Ukraine ngày càng gây chia rẽ chính trị trong xã hội châu Âu.

Ý tưởng các nước châu Âu triển khai quân đến Ukraine trở thành chủ đề nóng khi Washington, trong những tháng đầu nhiệm kỳ Tổng thống Trump, đang thúc đẩy đàm phán trực tiếp với Moskva và xem xét lại chính sách đảm bảo an ninh cho châu Âu.

Các quan chức Mỹ và Nga dự kiến gặp nhau tại Arab Saudi trong ngày 18/2. Các đồng minh của Mỹ đang nỗ lực tìm chỗ đứng và góp tiếng nói trong quá trình đàm phán, khi những dấu hiệu đầu tiên cho thấy ông Trump chưa muốn châu Âu tham gia, ngay cả khi kết quả đàm phán sẽ tái định hình bức tranh an ninh lẫn địa chính trị khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngày 16/2 trấn an đồng minh rằng Mỹ có thể tham vấn châu Âu một khi “đàm phán thực chất” để chấm dứt chiến sự Ukraine diễn ra.

Trong tuyên bố tuần qua ở hội nghị bộ trưởng quốc phòng NATO, lãnh đạo Lầu Năm Góc Pete Hegseth đã thẳng thắn bác bỏ khả năng triển khai quân Mỹ đến Ukraine, cho rằng châu Âu phải tự lo liệu bài toán này. Dù vậy, một số quan chức châu Âu tiết lộ chính quyền Trump chưa gạt bỏ hoàn toàn phương án hỗ trợ gián tiếp.

Chính phủ Mỹ đã gửi tới các đồng minh châu Âu “bản thu thập ý kiến” về khả năng mỗi nước cam kết huy động quân số bao nhiêu và những loại vũ khí, trang bị nào cho Ukraine một khi các bên đạt được thỏa thuận hòa bình. Các nước châu Âu cũng đang đề nghị Mỹ làm rõ mức độ hỗ trợ về tình báo, giám sát, phòng không và hỗ trợ trên không nếu cần.

Phương án đang được Mỹ và châu Âu thảo luận là thành lập một lực lượng “trấn an” hoặc “răn đe” với khoảng 25.000-30.000 quân, chủ yếu để thể hiện sức mạnh và thuyết phục Nga từ bỏ ý định tấn công Ukraine thêm lần nữa sau khi hai bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Pháp và Anh, hai cường quốc hạt nhân của châu Âu, đang dẫn dắt các cuộc thảo luận như vậy với sự tham gia của Ba Lan, Hà Lan, Đức và các nước Bắc Âu, nhóm Baltic. Pháp là nước lên kế hoạch quân sự chi tiết nhất và có thể cam kết triển khai gần 10.000 binh sĩ, dù nhiều nước vẫn do dự hoặc bị hạn chế về quân số.

Những nước tham gia thảo luận này vẫn chia rẽ về quy mô, nhiệm vụ của lực lượng và mức độ hỗ trợ cần thiết từ Mỹ, trong đó lo ngại lớn nhất là Mỹ gạt bỏ hoàn toàn khả năng can dự sâu hơn.

Phần lớn giới chức châu Âu cho rằng sự ủng hộ công khai của Mỹ sẽ là yếu tố then chốt. Họ mong đợi Washington đưa ra cảnh báo rõ ràng đến Moskva, qua kênh chính thức hoặc không chính thức, rằng Nga không được phép tấn công lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu.

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans nhấn mạnh kế hoạch điều binh đến Ukraine này cần Mỹ ủng hộ không chỉ về chính trị, mà còn về nguồn lực. Brekelmans kỳ vọng các nước châu Âu và Mỹ có thể đạt được những ý tưởng cụ thể, đặc biệt về phương diện quân số triển khai đến Ukraine, trong vài tuần tới.

“Nếu căng thẳng hoặc xung đột nổ ra liên quan đến sứ mệnh gìn giữ hòa bình, chúng ta sẽ cần áp đảo về năng lực leo thang quân sự. Và chúng ta cần có Mỹ. Phương án này không chỉ là đảm bảo an ninh cho Ukraine, mà còn liên quan trực tiếp đến phòng thủ và răn đe của NATO”, ông nói tại Hội nghị An ninh Munich.

Vấn đề quan trọng còn lại là mức độ phản ứng của châu Âu nếu Nga tấn công lực lượng này. Một trong những đề xuất gần đây là xây dựng điều khoản phòng thủ chung giữa các nước EU và lực lượng này không được phép hoạt động dưới danh nghĩa NATO, vốn chịu ảnh hưởng rất lớn của Mỹ.

“Phải làm rõ rằng lực lượng này sẵn sàng đáp trả nếu bị tấn công và có thể nhanh chóng mở rộng quy mô”, một nhà ngoại giao châu Âu bình luận.

“Trong hoàn cảnh thông thường, đúng là còn quá sớm để lập kế hoạch như vậy khi các điều kiện ngừng bắn còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, Mỹ và Nga đang đàm phán sau lưng chúng ta. Thảo luận về kịch bản điều quân đến Ukraine là cách để châu Âu tuyên bố với Mỹ rằng chúng ta sẵn sàng hành động”, quan chức này cho biết.

Thanh Danh (Theo FT, Reuters, Washington Post)


source
Written by

Leave a comment