Ipos Việt Giải Pháp Dữ Liệu Bạn
Tổng thống Trump cuối tuần trước chỉ đạo Bộ Tài chính Mỹ dừng đúc xu 1 cent, do chi phí đúc lớn hơn giá trị đồng tiền và nhiều người dân không thực sự sử dụng chúng.
“Suốt thời gian dài, Mỹ đã đúc xu 1 cent với chi phí hơn 2 cent. Việc này quá lãng phí! Tôi đã chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính dừng sản xuất xu mới. Hãy loại bỏ sự lãng phí ra khỏi ngân sách tuyệt vời của chúng ta, dù chỉ từng cent một”, Tổng thống Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social ngày 9/2.
Đây không phải lần đầu tiên giới chức Mỹ muốn cải cách đồng 1 cent. Tranh luận xoay quanh việc giữ hay bỏ xu mệnh giá nhỏ nhất đã kéo dài nhiều thập kỷ. Ông Barack Obama khi đương nhiệm năm 2013 cũng bày tỏ ủng hộ loại bỏ đồng xu mệnh giá thấp.
“Chính phủ không hẳn sẽ tiết kiệm được một khoản lớn, nhưng bất cứ khi nào chúng ta chi nhiều tiền hơn cho thứ mà người dân không thực sự sử dụng, thì điều đó cần điều chỉnh”, ông Obama nói.
Các đồng 1 cent được chụp tại New York ngày 10/2. Ảnh: AFP
Những đồng xu đầu tiên ở Mỹ được đúc năm 1793, do Sở Đúc tiền thuộc Bộ Tài chính phụ trách, một năm sau khi quốc hội thông qua Đạo luật Tiền xu. Đạo luật nhằm chuẩn hóa tiền tệ tại Mỹ, khi đó sử dụng hỗn hợp cả xu trong nước lẫn nước ngoài sau giai đoạn thuộc địa và Chiến tranh Cách mạng.
Quốc hội Mỹ chọn đúc xu nửa cent và 1 cent bằng đồng, 5 cent, 10 cent, 25 cent, 50 cent và 1 USD bằng bạc. Xu 2,5 USD, 5 USD và 10 USD bằng vàng. Xu nửa cent bị loại bỏ năm 1857, tiếp đó là xu 2,5 USD và 5 USD vào năm 1929. Xu 10 USD bị loại bỏ năm 1933. Năm 2011, phó tổng thống Joe Biden thông báo Mỹ dừng đúc xu 1 USD.
Theo danh sách của Sở Đúc tiền, Mỹ hiện lưu hành các xu 1 cent (penny), 5 cent (nickel), 10 cent (dime), 25 cent (quarter), 50 cent (half) và 1 USD. Nguyên liệu sản xuất cũng thay đổi theo thời gian.
Đồng 1 cent ngày xưa lớn hơn và được làm hoàn toàn bằng đồng, trong khi xu ngày nay nhỏ hơn và được làm bằng kẽm mạ đồng. Các đồng xu còn lại được đúc bằng hợp kim đồng nickel.
Penny là xu có số lượng nhiều nhất. Một bài viết trên New York Times tháng 9/2024 ước tính có khoảng 240 tỷ đồng 1 cent tại Mỹ. Năm 2024, Sở Đúc tiền sản xuất 3,2 tỷ đồng 1 cent, chiếm 57% trong tổng 5,61 tỷ xu đúc ra.
Nỗ lực bỏ đồng 1 cent đáng chú ý đầu tiên là từ nghị sĩ Cộng hòa bang Arizona Jim Kolbe cuối những năm 1980. Ông Kolbe vận động loại bỏ tiền giấy 1 USD và chuyển sang thành xu 1 USD bằng đồng nhằm hỗ trợ cho ngành khai thác đồng tại bang. Ông theo dõi các thăm dò và nhận thấy có xu hướng ủng hộ bỏ đồng 1 cent nên đã kết hợp hai ý tưởng với nhau.
Dần dần, việc Kolbe muốn loại bỏ đồng 1 cent không còn liên quan ngành khai thác đồng. “Đó là cải cách hợp lý, giúp chính phủ Mỹ tiết kiệm lượng lớn tiền”, ông nói.
Những năm 1990, Kolbe liên tục trình dự luật loại bỏ đồng 1 cent tại mỗi kỳ họp của quốc hội, nhưng vấp phải sự phản đối, như từ chủ tịch Hạ viện Dennis Hastert, đại diện bang Illinois. Illinois là quê nhà tổng thống Abraham Lincoln, người được in hình trên đồng 1 cent. Các thợ mỏ kẽm và công ty cung ứng phôi đúc cũng không đồng tình.
Trước khi qua đời năm 2022, Kolbe chia sẻ rằng ông “cảm thấy bối rối” khi cầm thêm một penny mỗi lần rời cửa hàng.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội (CRS), nhiều nghị sĩ đã tìm cách dừng đúc đồng 1 cent, loại bỏ xu khỏi lưu thông hoặc giải quyết bài toán chi phí. Năm 2017, nghị sĩ Cộng hòa bang Arizona John McCain đồng soạn thảo dự luật đình chỉ sản xuất đồng 1 cent trong 10 năm và chỉ đạo Văn phòng Kiểm toán Chính phủ nghiên cứu tác động. Tuy nhiên, chưa có biện pháp nào trong số này được triển khai.
Báo cáo năm 2024 của Sở Đúc tiền cho biết chi phí đúc một đồng 1 cent là hơn 3,69 cent, và tình trạng chi phí vượt mệnh giá này đã kéo dài 19 năm. Báo cáo năm 2014 nhấn mạnh “không có hợp kim thay thế nào có thể giúp giảm chi phí sản xuất đồng 1 cent thấp hơn mệnh giá của nó”.
Chi phí sản xuất một số đồng xu ở Mỹ qua các năm. Đồ họa: CNN
Phe phản đối đồng 1 cent còn có lý do khác để nhắm vào đồng xu này. Họ hy vọng loại bỏ penny sẽ giúp Sở Đúc tiền có thêm nguồn lực dành cho những xu có mức độ lưu hành cao hơn. Penny giờ đây không được sử dụng nhiều, bởi hầu hết giao dịch được thực hiện qua thanh toán điện tử. CapitalOne Shopping Research ước tính 86,9% tổng giao dịch ở Mỹ năm 2024 là phi tiền mặt.
Ngoài ra, họ còn lo ngại về tác động đến môi trường từ việc đúc đồng 1 cent, do quá trình khai thác, tinh luyện kẽm và đồng phát thải lượng lớn CO2. Một lập luận nữa là khi tính đến lạm phát, penny quá nhỏ để hữu dụng.
“Giá trị penny giảm đến mức nếu có thu nhập trên mức lương tối thiểu, bạn sẽ mất thêm tiền nếu như chọn dừng lại để nhặt một penny trên vỉa hè”, Philip Diehl, giám đốc Sở Đúc tiền dưới thời tổng thống Bill Clinton, nhận định năm 2015. Khi đương chức, ông ủng hộ loại bỏ xu này.
Một lý do chính phủ Mỹ phải đúc lượng lớn đồng 1 cent mỗi năm là phần lớn chúng không được lưu thông, mà nằm trong các lọ hoặc bị vứt bỏ đâu đó. Nhiều người thường gom đồng 1 cent để đổi lấy xu mệnh giá cao hơn, thường là sang 5 cent.
Bát đựng xu lẻ tại một căn hộ ở New York tháng 11/2020. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, phe ủng hộ cho rằng loại bỏ đồng 1 cent sẽ dẫn đến các giao dịch bị áp thêm thuế, do được làm tròn lên mức gần nhất là 5 cent, khiến người Mỹ tốn thêm chi phí. Một số kinh tế gia lưu ý nhóm người nghèo sẽ chịu tác động chính từ tình trạng này.
Americans for Common Cents, đại diện cho lợi ích của các nhà sản xuất kẽm, tiền xu và sưu tập, nói kế hoạch dừng đúc đồng 1 cent của chính quyền Tổng thống Trump “có sai sót cơ bản”, vì sẽ khiến Sở Đúc tiền thêm tổn thất khi dồn lực sang đồng 5 cent, cũng gặp tình trạng chi phí cao hơn mệnh giá nhiều lần.
Duy trì penny có lợi cho các quỹ từ thiện, bởi mọi người sẵn sàng quyên góp những xu nhỏ này hơn. Ngoài ra, hoài niệm cũng có thể là một yếu tố.
“Tôi nghĩ mọi người có cảm xúc gắn liền với những điều quen thuộc”, ông Obama nói năm 2013. “Chúng ta nhớ đến lợn đất, ngồi đếm từng penny rồi đổi sang vài USD. Đó có thể là lý do khiến mọi người vẫn ủng hộ penny”.
Như Tâm (Theo CNN, NPR, TIME)
Leave a comment