Ipos Việt Giải Pháp Dữ Liệu Bạn

Cựu cố vấn chỉ trích ông Trump nhượng bộ Nga

John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, chỉ trích Tổng thống Mỹ chưa đàm phán đã nhượng bộ Nga.

“Nhượng bộ đã diễn ra từ khi đàm phán còn chưa bắt đầu. Ông Trump trên thực tế đã đầu hàng ông Putin trong vấn đề Ukraine”, John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ giai đoạn 2018-2019, ngày 12/2 bình luận về kết quả cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Bolton cho rằng những tuyên bố vừa qua từ Tổng thống Trump là “bán rẻ Ukraine bằng cách buộc họ từ bỏ lãnh thổ lẫn từ chối đảm bảo an ninh hay kết nạp họ vào NATO”. Cựu cố vấn của ông Trump cũng cảnh báo đảo ngược chính sách ủng hộ Ukraine sẽ đe dọa lợi ích an ninh Mỹ cả trong lẫn ngoài Trung Âu, làm lợi cho những đối thủ của Mỹ ở Trung Đông và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

“Lãnh đạo Mỹ đáng lẽ phải kiên định sát cánh cùng Ukraine và các đồng minh NATO vào lúc này. Mỹ sẽ không đảm bảo được lợi ích quốc gia nếu để cho Nga giành chiến thắng tại Ukraine”, Bolton viết trên X.

Mike Pence, cựu phó tổng thống trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, cảnh báo Ukraine sẽ “một ngày kia sẽ trở thành đất Nga” nếu Mỹ bỏ rơi nước này. Ông cũng dẫn lại lời của Tổng thống Trump rằng “Thế giới sẽ hòa bình khi Mỹ hùng mạnh” và kêu gọi Washington tiếp tục cứng rắn với Moskva.

“Nếu Ukraine thất thủ, viễn cảnh Nga tấn công một đồng minh NATO chỉ là vấn đề thời gian và quân đội Mỹ cuối cùng phải ra tay bảo vệ”, Pence nhấn mạnh.

John Bolton phát biểu tại thủ đô Kiev của Ukraine tháng 8/2019, khi giữ chức cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền Donald Trump. Ảnh: AFP

John Bolton phát biểu tại thủ đô Kiev của Ukraine tháng 8/2019, khi giữ chức cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền Donald Trump. Ảnh: AFP

Cựu cố vấn thân cận của ông Trump bày tỏ bức xúc ngay sau khi ông Trump công bố kết quả điện đàm với ông Putin vào ngày 11/2, dài một tiếng rưỡi, về đàm phán hòa bình để chấm dứt xung đột Ukraine.

Trong bài viết trên Truth Social, ông nói đã lập nhóm nòng cốt cho nỗ lực đàm phán. Tổng thống Mỹ kỳ vọng họp trực tiếp với Tổng thống Nga tại Arab Saudi, song chưa ấn định thời điểm gặp mặt.

“Hàng triệu người đã chết trong cuộc chiến này, đáng lẽ ra sẽ không xảy ra nếu tôi giữ chức tổng thống. Thực tế là nó đã diễn ra, vậy nên giờ đây tôi phải kết thúc nó. Không thể để mất thêm sinh mạng nào”, ông viết.

Trong cuộc họp báo sau đó ở Nhà Trắng, ông Trump nói rõ hơn phần nào về lập trường của mình đối với Ukraine, dù không tiết lộ cụ thể kế hoạch đàm phán sắp tới với Moskva.

Trả lời câu hỏi liệu lãnh thổ Ukraine có thể được khôi phục theo đường biên giới năm 2014 sau đàm phán hòa bình, ông Trump nói rằng viễn cảnh này “khó xảy ra”, Nga đã “giành được nhiều đất, đã chiến đấu cho những vùng đất đó và mất rất nhiều quân”.

Trong một bình luận khác tại buổi họp báo, ông Trump nói khả năng Ukraine gia nhập NATO là “không thực tế”, tương tự tuyên bố trước đó tại Bỉ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth.

Khác với quan điểm của Bolton, chuyên gia Stephen Wertheim, Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie tại Washington, cho rằng những tuyên bố của chính quyền Trump chỉ là chấp nhận thực tiễn tình hình. Việc Mỹ chính thức bác bỏ khả năng Ukraine gia nhập NATO “gửi tín hiệu đến Nga rằng các bên có thể đạt được một thỏa thuận phù hợp với thực tế”.

Tymofiy Mylovanov, Hiệu trưởng Trường Kinh tế Kiev, cũng đưa ra lập luận tương tự. Ông nói người Ukraine đã luôn sống trong thực tế mà ông Trump nêu ra, chỉ là không muốn thừa nhận điều đó công khai.

“Sự khác biệt giữa ông Joe Biden và ông Trump là Tổng thống Mỹ giờ đây đã nói thẳng những gì người tiền nhiệm từng nghĩ và hành động thực tế trong vấn đề Ukraine. Ông Biden cũng không muốn mở rộng NATO, không cấp đủ viện trợ cho Ukraine tái kiểm soát lãnh thổ khi thực tế chiến trường còn khả thi, và cũng không muốn trừng phạt Nga quá mạnh tay”, ông nói.

Mylovanov cũng lưu ý rằng các đời tổng thống Mỹ đều không thể ngăn chiến sự nổ ra tại Ukraine, mà chính Ukraine phải tự củng cố năng lực quân sự.

“Ông Trump chỉ đang nói thẳng: Đây là vấn đề của châu Âu và Ukraine. Không có kịch bản Mỹ thay Ukraine đánh bại Nga. Không có viễn cảnh nào trong đó một tổng thống hay chính phủ Mỹ sẽ giải quyết vấn đề Ukraine, xây dựng quân đội hộ chúng ta, xóa bỏ tham nhũng hay thực hiện các cải cách. Thế giới đó chưa bao giờ tồn tại”, Mylovanov nhấn mạnh.

Những tuyên bố của ông Trump và Bộ trưởng Hegseth trùng với chuyến thăm Kiev của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, người đã tuyên bố rằng một thỏa thuận khai thác khoáng sản giữa Kiev và Washington sẽ giúp thiết lập “lá chắn an ninh” cho Ukraine sau khi chiến sự kết thúc.

Tổng thống Zelensky đã nói sẵn sàng ký một thỏa thuận mở cửa khai khoáng cho các nhà đầu tư Mỹ, còn ông Trump hôm 12/2 nhấn mạnh rằng một thỏa thuận khai thác khoáng sản sẽ đảm bảo nguồn tài trợ từ Mỹ cho Ukraine.

John Herbst, đại sứ Mỹ tại Ukraine giai đoạn 2003-2006 dưới thời Tổng thống George W. Bush, cho rằng Mỹ đã từ bỏ một số đòn bẩy đàm phán với Nga, nhưng chuyến thăm của Bessent đến Kiev cũng là một tín hiệu tích cực. “Theo logic của ông Trump, đề xuất trao đổi vũ khí Mỹ lấy khoáng sản Ukraine là một phương thức hợp lý để tiếp tục gửi vũ khí cho Ukraine sau này”, Herbst dự báo.

Thanh Danh (Theo CNN, Reuters)


source
Written by

Leave a comment