Ipos Việt Giải Pháp Dữ Liệu Bạn

Mệt mỏi vì tắc đường dịp cuối năm

Hà NộiGần một tháng nay, đi làm trở thành nỗi ám ảnh của Minh Phượng vì mỗi ngày đều mất 2-3 tiếng “bò” trên đường từ nhà đến cơ quan.

Cô gái 27 tuổi ở quận Hai Bà Trưng cách nơi làm việc 15 km. Nếu đường thông thoáng, Phượng di chuyển 30 phút. Giờ cao điểm qua nhiều điểm đen giao thông như đường Trường Chinh, Ngã Tư Sở, Láng hoặc khi thời tiết thay đổi cô tốn khoảng 1,5-2,5 tiếng.

Nhưng cận Tết, nữ nhân viên văn phòng này thường mất hơn 3 tiếng cho một chiều, bởi đường tắc mọi nẻo. “Thay vì tắc vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều nay mọi tuyến đường lớn nhỏ trong thành phố chật cứng phương tiện từ 7h sáng đến 21h”, Phượng nói. Bị kẹt cứng trong dòng người khiến sáng nào cô cũng đi làm muộn, nộp phạt 100.000 đồng mỗi lần.

Để tránh tắc đường, nhiều người đi xe máy buộc phải lên vỉa hè để di chuyển. Ảnh: Phạm Chiểu

Để tránh tắc đường, nhiều người đi xe máy buộc phải lên vỉa hè để di chuyển. Ảnh: Phạm Chiểu

Là trưởng phòng marketing cho một công ty xuất nhập khẩu đá ở quận Cầu Giấy, Hồng Hạnh, 35 tuổi, trú quận Long Biên phải tham gia nhiều cuộc họp quan trọng. Không ít lần đến giờ họp nhưng cô vẫn đang kẹt cứng trên cầu vượt cách công ty 2 km, buộc phải ghé vào quán cà phê để online.

Đặc biệt tình trạng ùn tắc những tháng cuối năm tại tuyến đường chính ở nhiều quận trung tâm khiến đôi lần Hạnh trễ hẹn với đối tác, bị lãnh đạo khiển trách.

“Mới 1-2h chiều các ngày trong tuần nhưng nhiều tuyến phố lớn như Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu ôtô dàn kín đường, xe máy phải đi lên vỉa hè hoặc dồn ứ ở phía sau. Ra đường cuối năm chẳng khác nào đi đánh trận bởi phải tính toán đường đi lối lại, tránh trường hợp tiến sâu khó quay đầu”, Hạnh nói.

Tắc đường hoặc giao thông ùn ứ khắp các tuyến phố khiến shipper Hữu Nghĩa, 45 tuổi, cũng sợ ra đường. Những tháng trước, anh chỉ cần sắp xếp để tránh giờ cao điểm, giao thông sẽ thuận tiện, nhưng nay “không biết đâu mà tránh”.

“Tôi luôn cố gắng luồn lách nhưng lúc nào cũng trễ giờ giao hàng cho khách 30 phút đến một tiếng. Đấy là chưa kể ngày mưa gió, chậm vài ba tiếng là bình thường”, người đàn ông quê Hưng Yên nói.

Ùn tắc dài cả km trên đường Nguyễn Thái Học, quận Đống Đa lúc 2h chiều 25/1. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Ùn tắc dài nhiều km trên đường Nguyễn Thái Học, quận Đống Đa lúc 14h ngày 25/1. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Tắc đường bất kể giờ giấc dịp cận Tết đang là bức xúc của nhiều người dân thủ đô. Bài đăng nào trên mạng xã hội về tình trạng này cũng thu hút hàng nghìn bình luận. Mỗi khi thay đổi thời tiết, số bài viết kèm ảnh chụp bị mắc kẹt trên đường gia tăng mạnh ở khắp các trang mạng xã hội.

Khảo sát của VnExpress tại các khu vực tập trung nhiều cây cảnh, đồ phục vụ Tết như đường Lạc Long Quân, Âu Cơ, Hoàng Hoa Thám (quận Tây Hồ), chợ hoa hàng Lược, phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) thường xuyên xảy ra ùn tắc do hàng hóa lấn chiếm vỉa hè, khách mua sắm phải đỗ xe dưới lòng đường.

Tại các chợ đầu mối lớn như Long Biên, Đồng Xuân nhu cầu vận chuyển hàng hóa lớn nhưng đường nhỏ, nhiều xe chở cồng kềnh cũng gây ùn tắc cục bộ. Bên cạnh đó, nhu cầu di chuyển qua các cửa ngõ của Thành phố như vành đai 3, vành đai 2, đường Nguyễn Văn Linh (nối với Quốc lộ 5) cũng thường xuyên ùn tắc từ 7h sáng đến 8-9h tối bởi lưu lượng xe đông.

Tiến sĩ Phan Lê Bình, giảng viên Chương trình Kỹ thuật Xây dựng, trường Đại học Việt Nhật (Hà Nội) cho biết thực trạng tắc đường ở Thủ đô không mới nhưng ùn ứ cuối năm xuất phát từ năm nguyên nhân chính.

Một là nhu cầu di chuyển để mua sắm, tặng quà của người dân thành phố và ngoại tỉnh gia tăng. Hai là xuất hiện nhiều xe chở đồ Tết cồng kềnh, phân phối cho các cửa hàng trong nội đô. Ba là người dân đổ ra đường mua cây cối, đồ phục vụ Tết bán trên vỉa hè, xe đỗ dưới lòng đường gây ùn tắc. Bốn là thời điểm cuối năm nhiều tuyến được được sửa chữa, làm hẹp diện tích các phương tiện di chuyển. Và cuối cùng là ý thức của người tham gia giao thông chưa cao bởi không ít người phóng xe lên vỉa hè, lấn làn của phương tiện công cộng và không tuân thủ chỉ thị của người điều phối.

Bổ sung thêm, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải, cho biết tích tụ dân cư và đô thị hóa là nguyên nhân gây ùn tắc.

Ông Thủy cho biết, Hà Nội hiện có trên 8 triệu phương tiện đăng ký gồm 1,1 triệu ôtô, 6,7 triệu xe máy, 200.000 xe đạp điện, chưa kể 1,2 triệu phương tiện ngoại tỉnh. Trong khi đó, tỷ lệ đất dành cho giao thông trong thành phố chỉ đạt 12-13% so với tiêu chuẩn 20-26%.

Theo giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường, phương tiện cá nhân tăng 4-5% nhưng tốc độ phát triển hạ tầng giao thông chỉ 0,6%, khiến thủ đô “luôn chới với chạy theo mà không bao giờ đuổi kịp”.

Báo cáo mới đây của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng chỉ ra mật độ giao thông nhiều tuyến đường Hà Nội vượt 6-8 lần thiết kế. Như đường Lê Văn Lương – Tố Hữu vượt 1,1-1,7 lần, cầu Chương Dương vượt 8 lần, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân dài khoảng 3,4 km vượt 3,3-5,6 lần vào giờ cao điểm.

Số liệu thống kê năm 2023 cho biết thành phố có 37 điểm ùn tắc, gồm 10 điểm phát sinh và 27 điểm tồn tại từ 2022.

Ngã tư đường Nguyễn Khang giao với cầu Yên Hòa, quận Cầu Giấy liên tục xảy ra ùn tắc từ 4h30 đến 6h30 chiều mỗi ngày. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Ngã tư đường Nguyễn Khang giao với cầu Yên Hòa, quận Cầu Giấy chiều 24/1 xảy ra ùn tắc, nhiều phương tiện di chuyển không theo điều phối. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Mệt mỏi khi phải di chuyển qua ít nhất năm điểm ùn tắc nghiêm trọng mỗi ngày khiến Minh Phượng quyết định thuê trọ gần công ty trước Tết Nguyên đán. Nơi ở mới đắt hơn, phải vào sâu trong ngách và ít các tiện ích nhưng Phượng nói vẫn tạm hài lòng vì chỉ mất 15 phút di chuyển. Mỗi ngày đi làm về cô vẫn có thời gian ăn uống, nghỉ ngơi.

Chán cảnh nhích từng mét qua các nút giao thông, chị Hồng Hạnh bàn với chồng bán căn nhà ở quận Hà Đông mua một căn hộ có diện tích nhỏ hơn ở quận Cầu Giấy.

“Nơi ở mới dù nhỏ nhưng tôi thấy hợp lý bởi vợ chồng được gần nơi làm việc và trường học của các con. Chưa kể nơi sống nhiều đường tắt, có thể di chuyển tránh tắc tạm thời”, chị Hạnh nói. Những ngày ra ngoài gặp đối tác, chị sẽ đi sớm trước 1-1,5 tiếng để không ảnh hưởng đến công việc.

Khó có thể chuyển chỗ ở do đặc thù công việc, anh Hữu Nghĩa nảy ra sáng kiến lùi thời gian giao hàng sau 7h tối với các đơn không cần gấp và được chủ cửa hàng đồng ý. Riêng các kiện hàng “hỏa tốc”, người đàn ông 45 tuổi sẽ nghiên cứu đường tắt, tránh trục đường chính.

“Giao hàng vào buổi tối sẽ mệt hơn bởi đã làm việc cả ngày, nhiệt độ cũng giảm sâu nhưng đường xá thông thoáng và còn có thể tiết kiệm xăng”, anh Nghĩa nói.

Để tránh gây phiền toái, mệt mỏi cho người đi đường, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy gợi ý một số giải pháp như nâng cấp hạ tầng, làm đường rộng, thoáng hơn. Đặc biệt, các phương tiện công cộng phải đáp ứng được yêu cầu của người dân, đi đúng giờ, thái độ phục vụ tốt để kích cầu. Không nên xây dựng dày đặc các chung cư trong trung tâm mà cần nghiên cứu mở thành phố vệ tinh để kéo giãn mật độ dân số.

Đồng quan điểm nhưng tiến sĩ Phan Lê Bình cho rằng không phải mọi cá nhân đều có thể sử dụng các phương tiện công cộng do vị trí địa lý, đường xá chưa thể mở rộng hay giảm bớt phương tiện công cộng trong thời gian ngắn. Do vậy cách tốt nhất để giảm thiểu ùn tắc trong dịp Tết là lực lượng chức năng phải phân luồng giao thông, giải quyết các nút thắt. Bố trí các điểm trông giữ xe tại các khu vực bán hàng Tết, tránh trường hợp xe đỗ tự do dưới lòng đường.

“Nhưng quan trọng nhất vẫn là người dân nâng cao ý thức, nhường đường cho các phương tiện giao thông, tránh lấn làn. Còn không, người tham gia giao thông buộc phải chấp nhận thực trạng tắc càng thêm tắc”, chuyên gia nói.

Quỳnh Nguyễn


source
Written by

Leave a comment